Thứ Năm, 29 tháng 9, 2011

Hàng trăm nghìn học sinh nghỉ học vì bão

Hôm nay, hàng trăm nghìn học sinh các tỉnh từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa đã phải nghỉ học tránh bão. Tại Hà Nội, nhiều gia đình cũng có kế hoạch đón con về sớm.

Giám đốc Sở GD&ĐT Hải Phòng Đỗ Thế Hùng cho biết, từ chiều qua, Sở đã chỉ đạo các phòng giáo dục cho toàn bộ học sinh nghỉ học ngày 30/9. Ngày mai, tùy tình hình mưa bão, Sở sẽ quyết định có tiếp tục cho học sinh nghỉ học hay không.

Cũng là tỉnh được dự báo chịu ảnh hưởng của bão Nesat, ông Trần Quang Ánh, Phó giám đốc thường trực Sở Giáo dục tỉnh Ninh Bình cho biết, đã giao quyền tự quyết cho các trường, tùy tình hình cụ thể mà cho học sinh nghỉ học.

"Chúng tôi không cho các em nghỉ đồng loạt. Những nơi nào thấy cần thiết phải nghỉ để đảm bảo an toàn cho học sinh, hoặc để các em hỗ trợ gia đình thu hoạch lúa thì báo cáo", ông Ánh nói.

Một tàu đánh cá của ngư dân huyện Cô Tô bị bão số 5 đánh đắm. Ảnh: Báo Quảng Ninh.

Sở GD&ĐT Ninh Bình cũng có công điện khẩn gửi các trường nhắc nhở trước khi mưa bão, giáo viên cần neo buộc nhà cửa, bảo vệ tài sản, cơ sở vật chất, trang thiết bị của cơ quan, nhà trường. Mỗi đơn vị tổ chức đội xung kích 15-20 người (là cán bộ, giáo viên đối với trường tiểu học, THCS; có thể cả học sinh lớn đối với trường THPT) ứng cứu kịp thời khi cần thiết.

Sở cũng nhấn mạnh, từng cơ sở giáo dục chủ động chuẩn bị các điều kiện, phương tiện phòng chống lụt bão như: thuyền, xẻng, cuốc, cây bắc sàn, cây chống, dự trữ nước ăn, lương thực, củi cho những người trực trong những ngày lũ lụt. Trường có nhà cao tầng thì chuyển đồ lên tầng trên, với trường cấp 4 phải bố trí làm sàn chống ngập.

Ông Ánh cho hay, đối với các trường ở vùng xả tràn như Nho Quan, vùng hay ngập lụt như Gia Viễn, Yên Mô, Kim Sơn, Sở đã yêu cầu Phòng Giáo dục có kế hoạch cụ thể về học bù chương trình khi học sinh phải nghỉ học do lũ lụt.

Tại Thanh Hóa, học sinh THPT (trừ TP Thanh Hóa) được nghỉ học 2 ngày (29-30/9) để giúp gia đình thu hoạch lúa mùa.

Hà Nội chưa có chủ trương cho học sinh nghỉ vì chưa chịu ảnh hưởng nhiều từ bão. Chánh văn phòng Nguyễn Hiệp Thống cho biết sẽ có chỉ đạo khi bão vào gây mưa to, gió lớn. Tuy nhiên, trước tình hình mưa, gió mạnh sáng nay, nhiều phụ huynh đã lên kế hoạch đón con về sớm.

Có con đang học trường tiểu học Đoàn Thị Điểm (Hà Nội), sáng nay chị Hoa liên tiếp nhận được các cuộc gọi của ông bà thục giục đón cháu về sớm để tránh bão. "Nếu trưa nay, Hà Nội tiếp tục gió lớn, mưa, tôi sẽ đến trường xin phép cô cho con nghỉ học vì nhà khá xa", chị Hoa nói.

Hôm qua, Bộ GD&ĐT đã có công điện gửi các Sở, trường đại học, cao đẳng thuộc các tỉnh Bắc Bộ và từ Thanh Hoá đến Hà Tĩnh chỉ đạo chuẩn bị đối phó với bão Nesat. Ngoài những công việc cần làm để bảo vệ cơ sở vật chất, Bộ cũng nhấn mạnh cần đảm bảo an toàn cho học sinh. Vùng có nhiều sông suối, địa bàn phức tạp có nguy cơ lũ và sạt lở đất cao cần cho học sinh nghỉ học. Tất cả hoạt động ngoại khóa trong thời gian này phải dừng lại.

<>Hoàng Thùy

GS Mỹ: VN cần tạo thế chân kiềng để đánh thức nhân lực, nhân tài

“Tôi không phải là chuyên gia về Việt Nam nhưng tôi biết đất nước các bạn có những bước tiến dài, nhất là kinh tế. Tuy nhiên, để khẳng định mình thì các bạn cần phải cơ cấu lại nhân sự có thế chân kiềng: Nhà nước - doanh nghiệp - giáo dục.

Đó là lời khẳng định của giáo sư Dave Ulrich (Đại học Michigan, Mỹ) tại hội thảo “Tư duy lại nhân lực và nhân tài” (Rethinking HR & Talent). Hội thảo do trường Doanh nhân PACE tổ chức ngày 29/9 tại TPHCM, thu hút hơn 500 nhà lãnh đạo, doanh nhân, học giả, nhà nghiên cứu… trong và ngoài nước tham dự.

Giáo sư Dave Ulrich đang chia sẻ kinh nghiệm quản lý nhân lực tại hội thảo.

GS Dave Ulrich mở đầu bài thuyết trình của mình bằng việc phác họa những thực tiễn cạnh tranh mới đang diễn ra trên khắp toàn cầu. Theo ông, Việt Nam với vị trí là một trong số 11 quốc gia mới nổi kế tiếp (theo sau các nước thuộc khối BRIC gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc…), hơn bao giờ hết cần phải đặt ra câu hỏi “Lợi thế cạnh tranh của quốc gia sẽ đến từ những nguồn nào?” để có thể hoạch định một chiến lược phát triển hiệu quả cho mình.

Ông cũng cho rằng trong bối cảnh này, có thể thấy rằng vấn đề nhân lực và nhân tài chính là một nguồn “tài nguyên” quan trọng góp phần tạo ra lợi thế cạnh tranh bền vững cho quốc gia và doanh nghiệp bên cạnh các lợi thế khác vẫn thường được nhắc đến như chiến lược, tài chính, công nghệ…

Theo GS Dave Ulrich, đây không phải là một câu chuyện quá mới mẻ với quốc gia cũng như doanh nghiệp. Tuy nhiên, để có thể “đánh thức” được nguồn tài nguyên vô cùng to lớn ấy, cần phải “định nghĩa lại” nhân lực và nhân tài.

Ai sẽ được gọi là “nhân tài”? Làm thế nào để xác định đúng và khơi dậy được nguồn tài nguyên ấy? Đầu tư cho nhân tài là cần thiết, nhưng làm thể nào để đầu tư đúng và đo lường được hiệu quả của việc đầu tư cho yếu tố vô hình này?
GS Dave Ulrich nhấn mạnh, để đánh thức được nhân tài, nhân lực, Việt Nam cần có sự phối hợp theo thế chân kiềng giữa Nhà nước - doanh nghiệp - giáo dục; xúc tiến các tổ chức, chương trình nghị sự quốc gia về nhân lực…

Trong suốt bài trình bày của mình, GS Dave Ulrich đã lần lượt đưa ra những góc nhìn của mình cho những câu hỏi này, những câu hỏi mà ông cho rằng cần được đặt ra và trả lời thấu đáo để câu chuyện nhân tài không chỉ dừng lại ở những khẩu hiệu như “hiền tài là nguyên khí quốc gia” hay “nhân tài là tài sản quý giá nhất của tổ chức”…

Một quan điểm mới mẻ mà ông đưa ra trong hội thảo, đó là đã đến lúc các tổ chức, các doanh nghiệp cũng cần “định nghĩa lại” vai trò của mình nếu muốn cạnh tranh hiệu quả bằng nguồn lực nhân tài. Cụ thể là, nhân tài chỉ có thể phát triển được và đóng góp được cho tổ chức và xã hội khi và chỉ khi họ được “sống” trong một môi trường mà ở đó, họ tìm thấy được lẽ sống và ý nghĩa của cuộc đời, của công việc mình làm.
“Tài năng là nguồn lực giúp chúng ta tạo ra những đặc thù thú vị. Trong bóng đá, dù có vua phá lưới nhưng chưa chắc đội đó đã vô địch. Chỉ 20% đội có vua phá lưới thì vô địch. Vì thế bên cạnh tạo ra tài năng, cần phải xây dựng một nguồn nhân lực tốt, có kỹ năng làm việc theo nhóm và một văn hóa doanh nghiệp để nhân tài và nhân lực cống hiến”, GS Dave Ulrich nói.
Đông đảo doanh nhân Việt Nam tham dự hội thảo và đặt câu hỏi với giáo sư Dave Ulrich.

Một tổ chức có khả năng làm được điều trên, theo ngôn từ của GS Dave Ulrich , được gọi là “Tổ chức viên mãn”.Ông cũng đưa ra mô hình gồm các câu hỏi thiết yếu giúp các nhà lãnh đạo xây dựng tổ chức của mình thành “tổ chức viên mãn”.

GS Dave Ulrich đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò của nhà lãnh đạo trong chiến lược “đánh thức” nguồn tài nguyên nhân lực và nhân tài. Theo ông, tổ chức cần nhiều “năng lực lãnh đạo” hơn là “vị trí lãnh đạo”. Nhà lãnh đạo chỉ có thể tạo được “thương hiệu lãnh đạo” cho mình từ khả năng biến những mong mỏi, kỳ vọng của xã hội thành những hoạt động cụ thể trong chính tổ chức của mình.

Trả lời câu hỏi của một doanh nhân về vấn đề Việt Nam có lợi thế nào so với Trung Quốc, ông Dave Ulrich cho biết: “Đừng nghĩ nước nhỏ là yếu. Nhỏ mà lanh lợi thì thành công. Việt Nam nên học mô hình của Singapore. Đảo quốc nhỏ này không có tài nguyên nhưng có sự kết hợp chân kiềng. Doanh nhân Singapore luôn học hỏi và cầu tiến. Thế hệ lãnh đạo trước luôn giúp thế hệ lãnh đạo sau. Năng lực lãnh đạo giúp họ thành công”.

Diễn giả Dave Ulrich hiện là giáo sư của Đại học Michigan (Mỹ), người được coi là “bậc thầy” thế giới về lĩnh vực nhân sự, một trong những “bộ óc” quản trị có ảnh hưởng nhất thế giới. Năm 2010, ông đã được trao tặng giải Nobel Colloquia dành cho những tên tuổi dẫn dắt nền tưởng kinh tế và và kinh doanh.

Những tư tưởng, lý thuyết được “khai sinh” bởi GS Dave Ulrich và các cộng sự của ông như “Mô hình 4 vai trò của Nhân sự” (“HR’s 4 Roles Model”); “Thương hiệu lãnh đạo” (Leadership Brand) hay “Lý thuyết nhân tài 3C”... được xem là đã góp phần tạo nên những chuyển đổi quan trọng của nền quản trị và ngành nhân sự thế giới cũng như có ảnh hưởng sâu sắc đến nhiều nhà lãnh đạo.

Công Quang


Gần 50 phường "trắng" trường công lập

Ngày 28.9, lần đầu tiên TP.Hà Nội tổ chức cuộc giao ban với đầy đủ lãnh đạo các quận, huyện để tìm biện pháp giải quyết tình trạng thiếu trường học.

Mặc dù không mấy dễ dàng nhưng Hà Nội đặt ra mục tiêu: đến năm 2015 khắc phục triệt để tình trạng thiếu trường, thiếu lớp. Riêng trường mầm non, chậm nhất sau 3 năm phải khắc phục xong.

Nghịch lý dân ở trong trường, lớp ở trong dân

Đề cập đến nguyên nhân thiếu trường học, hầu hết lãnh đạo các quận, huyện nhận định do thiếu đất. Đại diện quận Đống Đa cho rằng, đến năm 2000, trên địa bàn không còn quỹ đất trống nào, chỉ còn đất do cơ quan quản lý. Hiện tại, khối mầm non 4 phường chưa có trường học; 4 phường chưa có trường tiểu học và 6 phường chưa có trường THCS.

 Trường công lập thủ đô đang quá tải.     Ảnh: KỲ ANH
Trường công lập thủ đô đang quá tải. Ảnh: KỲ ANH

Đề xuất giải pháp, ông Nguyễn Đức Học - Chủ tịch UBND quận Đống Đa - cho rằng, chỉ có cách thu hồi đất của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn có dự án nhưng không triển khai hiệu quả hoặc không có dự án triển khai để xây dựng trường học. Đó là khu đất của Cty CP nhựa y tế ở Lương Định Của, khu đất của Cty CP may CN ở đường Trường Chinh, Cty CP XNK mây - tre đan ở Thái Thịnh, khu đất của Viện Kinh tế chính trị thế giới ở Phương Liệt... Tuy nhiên, thay vì trả lại đất cho chính quyền quản lý, các doanh nghiệp lại muốn xây nhà để bán.

Tương tự, quận Hoàn Kiếm hiện có 5 phường chưa có trường tiểu học và 10 phường chưa có trường THCS. Ông Vũ Văn Viện - Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm - cho rằng, hiện các trường trên địa bàn quận xảy ra tình trạng “dân ở trong trường, lớp ở trong dân”. Ông Viện kiến nghị UBND TP thu hồi những địa điểm sử dụng sai mục đích, lấy mặt bằng xây dựng trường.

Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc - Phó Chủ tịch UBND TP - cho biết, Hà Nội hiện còn 6 phường chưa có trường mầm non công lập, 12 phường chưa có trường tiểu học công lập và 28 phường chưa có trường THCS công lập. Tại nhiều quận nội thành, số học sinh trong một lớp gấp hơn 2 lần so với quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Tình trạng thiếu trường ở những khu đô thị mới cũng xảy ra tương tự.


Đến năm 2015, không còn thiếu trường học

TP.Hà Nội đã đề ra 6 giải pháp, để đến năm 2015 thực hiện được mục tiêu mỗi xã, phường, thị trấn có ít nhất một trường mầm non, tiểu học, THCS công lập và cứ 5 vạn dân có 1 trường THPT. Giải pháp ưu tiên là, thu hồi diện tích đất tại những dự án “treo” và tại các cơ sở gây ô nhiễm môi trường phải di chuyển ra ngoại thành.

Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị cho rằng, việc thiếu trường, thiếu lớp là vấn đề cấp bách, quan trọng. Nguyên nhân, do tính toán xa thực tế, việc chỉ đạo thực hiện quy hoạch mạng lưới trên địa bàn chưa hợp lý, dẫn đến tình trạng nơi thừa cứ thừa, nơi thiếu cứ thiếu. Bí thư chỉ đạo, sau hội nghị này các sở, ban ngành, quận, huyện cần rà soát, xác định, tính toán cụ thể... Bí thư Thành uỷ nói: “Rõ ràng thiếu đất là do khách quan, nhưng tồn tại trên chủ yếu là do chủ quan. Chúng ta lơ là bỏ quên, hoặc quan tâm chưa đầy đủ cho quỹ đất xây dựng trường học”.

“Phải đặt ra mục tiêu kiên quyết, cái gì thiếu thì phải làm bổ sung ngay, biện pháp như thế nào các sở, ngành, quận, huyện phải đề xuất. Mục tiêu của chúng ta là đến năm 2015 phải khắc phục triệt để tình trạng thiếu trường, thiếu lớp cho học sinh. Phấn đấu chậm nhất sau 3 năm khắc phục triệt để việc thiếu trường mầm non, mẫu giáo chứ không phải đến tận năm 2015” - Bí thư Phạm Quang Nghị chỉ đạo.

<>Thu Huyền

Triển lãm giáo dục New Zealand (Tiếng Anh phổ thông trung học, dự bị đại học, cao đẳng và đại học)

Danh sách các trường tham gia triển lãm: CPIT, Darfield high school, Papanui high school, Villa Maria College, Rangi Ruru school.

Nội dung:
- Gặp gỡ đại diện của các trường
- Phỏng vấn trực tiếp để nhận học bổng (cần mang theo học bạ photo)
- Nghe giới thiệu về hệ thống giáo dục của New Zealand so sánh với hệ thống giáo dục của Việt Nam, giúp phụ huynh và học sinh lựa chọn trường học và khoá học phù hợp.
- Phổ biến chính sách xét visa mới nhất của đại sứ quán New Zealand
Thời gian tổ chức hội thảo: 9h00 - 12h00, chủ nhật, ngày 02/10/2011
Địa điểm tổ chức hội thảo: Trung tâm Anh ngữ Washington - 66 Võ Thị Sáu - Hai Bà Trưng - Hà Nội.
Triển lãm có quà tặng của các trường”

Xin liên hệ với chúng tôi:
Công ty tư vấn và đào tạo giáo dục (ETC)
Điện thoại: 04 36250952 / 04 36250589
Phụ trách đăng ký: Chị Quyên và chị Ngân


Thứ Tư, 28 tháng 9, 2011

Nghị lực của nữ sinh mồ côi

Cha mất khi chưa lọt lòng mẹ, không họ hàng thân thích, Thủy lớn lên bằng tình thương và sự khó nhọc của mẹ. Vượt lên hoàn cảnh, em luôn cố gắng học và đạt nhiều huy chương ở các cuộc thi học sinh giỏi môn tiếng Anh.

Bùi Thu Thủy là sinh viên năm thứ 2 ĐH Ngoại thương TP HCM. Ngay từ năm nhất, Thủy đã đạt kết quả học tập đáng nể với điểm trung bình các môn là 8,24.

Ở cấp phổ thông, Thủy từng là học sinh giỏi nhiều năm liền. Từ năm lớp 10 đến lớp 12, em liên tục đạt giải ở các cuộc thi học sinh giỏi tiếng Anh khu vực miền Nam và quốc gia. Vừa qua, Thủy là một trong những gương mặt tiêu biểu được Trung ương đoàn TNCS Hồ Chí Minh trao học bổng dành cho sinh viên nghèo vượt khó, học giỏi.

Kể lại chặng đường học tập từ nhỏ đến hôm nay vào đại học, Thủy nghẹn ngào: "Em cũng không hiểu sao hai mẹ con em có thể vượt qua được cuộc sống khắc nghiệt những năm tháng ấy".

Thủy hiện là sinh viên năm 2 ngành kinh tế tài chính đại học Ngoại thương TP HCM.
Bùi Thu Thủy hiện là sinh viên năm 2 ngành kinh tế tài chính ĐH Ngoại thương TP HCM. Ảnh: Hải Duyên.

Cuộc sống khó khăn vận vào gia đình từ những ngày mẹ Thủy, cô gái miền quê Ninh Bình phiêu bạt vào Nam năm 18 tuổi lập nghiệp, rồi lấy chồng ở Bạc Liêu. Mọi thứ dường như sụp đổ vào đúng lúc mẹ bắt đầu mang thai em. Xí nghiệp mẹ làm bị giải thể không có việc làm, chồng qua đời vì tai nạn, gia đình họ hàng hai bên đều nghèo và ở tận miền Bắc xa xôi.

Vốn liếng dành dụm được, mẹ dồn mua được căn nhà tuềnh toàng ở giữa một cánh đồng nằm cách xa thị xã Bạc Liêu khoảng hơn nửa giờ đi xe đạp. Cả một vùng đất rộng lớn nhưng chỉ có vài hộ sinh sống. Cuộc sống của hai mẹ con heo hút, đơn độc. Mẹ em xoay sở đủ kiểu để kiếm từng đồng nuôi con.

Tuổi thơ của Thủy là những ngày lẽo đẽo cùng mẹ ra đồng, được đặt trong cái chậu trên bờ. Nhưng thường xuyên là những lúc lủi thủi trong bốn bức tường của căn nhà nhỏ trên cánh đồng cỏ lau bạt ngàn. Có lẽ vì thế mà Thủy tập cho mình tính tự lập từ sớm. Khi lớn thêm một chút, hàng ngày ngoài việc lên lớp, em lại phụ giúp mẹ việc đồng áng chăn nuôi. Ruộng đất quanh nhà bỏ hoang trở thành mảnh vườn nhỏ để hai mẹ con trồng thêm lúa, nuôi thêm heo... Cuộc sống càng khó khăn khi mẹ em mắc bệnh sỏi thận.

Năm lên Sài Gòn học đại học là lần đầu tiên Thủy xa mẹ. Em tự thân lo toan mọi thứ giữa cuộc sống lạ lẫm, phồn hoa. "Có những lúc cảm thấy quá đỗi mệt mỏi và chán nản, em dường như muốn buông xuôi, nhưng rồi tự biết là không thể. Em chưa đi hết con đường với bao hoài bão, ước mơ và cả niềm tin của mẹ. Mẹ và quê hương chờ đợi em. Em phải cố gắng", Thủy trải lòng.

<>Nhờ ý thức được cuộc sống khó khăn, từ nhỏ Thủy đã ham học và giỏi đều các môn, đặc biệt là môn tiếng Anh. Từ khi bắt đầu học ngoại ngữ này, Thủy đã mê nó và luôn đạt điểm 9.0 ở môn học này, thậm chí có năm đạt điểm tuyệt đối.

"Càng học môn này em càng thấy thú vị như khám phá được một nền văn hóa mới. Em có cảm giác nó sẽ là chìa khóa cho tương lai của em. Cũng nhờ yêu thích môn tiếng Anh mà từ năm lớp 7, em đã xác định sẽ thi vào ĐH Ngoại thương", Thủy nói.

Nữ sinh chia sẻ, suốt những năm học phổ thông, em chưa bao giờ phải đi học thêm bất cứ môn nào, kể cả Anh văn. Bên cạnh việc học trên lớp, Thủy chủ yếu tự tìm hiểu và rèn luyện kỹ năng cho mình. Ngay cả sách vở, em cũng mượn bạn bè photo lại vì không có nhiều tiền để mua.

Cách mà Thủy thường áp dụng để học tốt tiếng Anh là ở trên lớp, em thường kiếm bạn nói chuyện, khi về nhà thì tự đứng trước gương để thực hành. "Khi nói xong một câu tiếng Việt em thường nghĩ trong đầu cũng là câu đó, tiếng Anh sẽ phải nói như thế nào. Rồi tìm tòi xem cách mà người bản xứ nói ra sao... Cứ thế tiếng Anh trở nên gần gũi hơn với em mỗi ngày", Thủy cho biết.

Trong kỳ thi TOEIC đầu vào do trường Ngoại thương tổ chức cho tân sinh viên, Thủy đạt số điểm khá cao 7.5. Với điểm số này em được miễn học tiếng Anh trong năm đầu và được tính điểm kết thúc môn là 10.

Bước sang năm thứ 2, dù bận rộn với việc học, làm thêm, Thủy vẫn tham gia tích cực các hoạt động xã hội với vai trò là một tình nguyện viên dạy tiếng Anh miễn phí cho trẻ em khuyết tật tại các mái ấm trong thành phố. Thủy cũng đang ấp ủ nhiều mơ ước được học lên cao hơn nữa bằng chính khả năng của mình.

Tuy thế, trò chuyện với Thủy, bên cạnh niềm say mê tiếng Anh, ước mơ trưởng thành, học lên cao hơn nữa..., trong mắt nữ sinh vẫn phảng phất nỗi buồn. "Tự thân vận động giữa chốn Sài Gòn không làm em lo bằng căn bệnh thận của mẹ ở quê ngày mỗi nặng hơn", Thủy nói.

<>Hải Duyên

Từ tiến sĩ khống đến tiến sĩ dỏm


Ảnh: minh họa


Danh sách thạc sĩ, tiến sĩ khống

Phó hiệu trưởng một trường CĐ đang có chủ trương nâng cấp lên ĐH tại TP.HCM thừa nhận: “Vì áp lực phải có đủ số lượng tiến sĩ, thạc sĩ nhất định, nên có một số trường vẫn lập danh sách khống do trong quá trình nâng cấp chưa chuẩn bị kịp. Thậm chí không hiếm trường hợp không hề có tên tiến sĩ, thạc sĩ đó trong thực tế”.

Nếu chỉ nhìn vào danh sách lực lượng GV thì rất dễ bị đánh lừa. Trên thực tế, nhiều GV có học vị tiến sĩ dạy ở trường công lập này nhưng cho trường ngoài công lập khác mượn tên.

Với phần lớn các trường ngoài công lập, lực lượng GV chủ chốt hầu hết đều thuê từ trường công. Trường CĐ Kinh tế kỹ thuật Sài Gòn chính thức công khai thừa nhận điều này khi quảng bá: “Đội ngũ GV có trình độ chuyên môn, đặc biệt có sự tham gia của các GV là giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ đã, đang giảng dạy và làm công tác quản lý ở các trường ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Bách khoa TP.HCM, ĐH Kinh tế TP.HCM...”.

Khoa kinh tế - quản trị kinh doanh của trường có khoảng 4 ngàn SV, nhưng trong danh sách công khai trên website chỉ có 10 GV cơ hữu, trong đó có người cùng một lúc biên chế ở nhiều trường khác nhau.

Đỏ mắt tìm tiến sĩ

Theo quy định mới, các trường muốn mở ngành phải có ít nhất một GV là tiến sĩ, 3 GV thạc sĩ có trình độ đúng ngành đăng ký. Thạc sĩ Trần Ái Cầm - Phó hiệu trưởng trường ĐH Nguyễn Tất Thành cho biết: “Năm ngoái, trường tuyển bình quân mỗi khoa 10 GV cơ hữu nhưng có những ngành như tài chính ngân hàng rất khó tuyển GV có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ đúng với chuyên ngành”.

Thạc sĩ Trần Mạnh Thành - Phó hiệu trưởng trường CĐ Bách Việt, chia sẻ: “Trường CĐ, ĐH nào cũng muốn thu hút những người có trình độ cao về làm việc, trong khi tiến sĩ thì có hạn”. Được biết, trường cũng đang tìm kiếm tiến sĩ có chuyên ngành về dược và điều dưỡng để xin mở ngành nhưng chưa có.

Tiến sĩ Nguyễn Đình Tuấn - Hiệu trưởng trường ĐH Tài nguyên - Môi trường TP.HCM, lo lắng: “Khí tượng là ngành tuyển GV khó nhất, gần như không có ai đạt trình độ tiến sĩ của ngành này. Kể đến là trắc địa, hiện nay trường cũng chưa có ai là tiến sĩ ngành này”.

Chưa kể những ngành không phải là thế mạnh của trường, đơn cử như ở khoa công nghệ thông tin, trên website trường đăng công khai 10 GV nhưng tất cả đều đang là nghiên cứu sinh hoặc cao học.

Bằng thật học giả

Để đáp ứng nhu cầu thực tế, nhiều GV đã phải tìm mọi cách để có được tấm bằng thạc sĩ, tiến sĩ. Nhiều bằng cấp trong số đó chỉ để hợp thức hóa chứ không có giá trị thật.

Phó hiệu trưởng một trường ĐH tại TP.HCM thông tin chương trình đào tạo tiến sĩ ở một vài cơ sở của Nga hiện nay rất đáng báo động. Nhiều GV ở VN đã theo các chương trình này để có được tấm bằng tiến sĩ.

Người tham gia chương trình này không cần biết tiếng Nga, tiếng Anh hay một ngoại ngữ nào khác. Họ chỉ sang Nga nửa tháng để nhận đề tài, toàn bộ thời gian nghiên cứu làm tại VN. Trong thời gian 3 năm đó, người hướng dẫn phía Nga sang VN mỗi năm một lần nhưng mọi giao tiếp đều thông qua phiên dịch. Cuối cùng các nghiên cứu sinh này chỉ cần sang Nga 15 ngày để bảo vệ luận văn.

Ở Nga cũng có một số website nổi tiếng mua bán bằng. Website doconline.ru rao bán đủ loại bằng cấp từ cử nhân đến tiến sĩ. Trong phần rao bán bằng tiến sĩ, website thông tin bán bằng từ bất kỳ thành phố nào của Nga với giá 33 ngàn rúp (khoảng 10 ngàn USD).

Trên dip-msk.ru, bằng tiến sĩ được rao bán 40 ngàn rúp (khoảng 12 ngàn USD) với nội dung: “Nếu bạn đã đạt được mục tiêu (chức vụ) nhưng chưa có bằng tiến sĩ, hãy đến với chúng tôi. Dựa trên kinh nghiệm cá nhân, chúng tôi cho rằng mua bằng rẻ thực tế hơn nhiều so với việc bản thân tự nỗ lực...”. (Bản dịch).

Theo PGS-TS Dương Anh Đức - Phó hiệu trưởng trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM), nhiều bằng tiến sĩ, thạc sĩ tại Mỹ cũng hết sức đáng ngại. Các trường “dỏm” tại Mỹ gửi thư mời GV VN mua bằng rất nhiều.

Ông Đức cho biết có trường, học viên qua Mỹ vài tháng, sau đó về nước chờ bằng tiến sĩ gửi qua; đa số chỉ cần đăng ký là sẽ có bằng. Trường “đàng hoàng” hơn thì chờ khoảng 4 năm mới gửi bằng qua, cho phù hợp thời hạn 3 - 5 năm nghiên cứu để hoàn tất bằng tiến sĩ như bình thường, nhưng cũng có trường chỉ vài tháng đã cấp ngay bằng tiến sĩ.

Theo <>Đăng Nguyên - Mỹ Quyên
Thanh Niên


Thứ Ba, 27 tháng 9, 2011

Giáo sư Hoàng Tụy nhận giải thưởng Toán học quốc tế

Với những đóng góp to lớn cho ngành toán tối ưu toàn cục, giáo sư Hoàng Tụy vinh dự là người đầu tiên trên thế giới nhận “Constantin Caratheodory Prize” - giải thưởng danh giá mang tên nhà toán học lừng danh người Đức (gốc Hy Lạp).

Chiều 27/9, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến chúc mừng giáo sư Hoàng Tụy. Nhân dịp này, Thủ tướng cũng gửi lẵng hoa chúc mừng.

Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga, Constantin Caratheodory là giải thưởng của Hiệp hội quốc tế về Tối ưu hóa toàn cầu, trao tặng hai năm một lần dành cho cá nhân, tập thể có đóng góp cho lĩnh vực lý thuyết cơ bản, thuật toán, và các ứng dụng tối ưu hóa toàn cầu.

Các tiêu chí để lựa chọn người nhận giải thưởng bao gồm: có thành tựu khoa học xuất sắc, sáng tạo, ý nghĩa, chiều sâu, và tác động. Người chiến thắng sẽ nhận được một giải thưởng 2.000 USD và một giấy chứng nhận.

Nhà toán học Hoàng Tụy tại lễ trao giải thưởng Phan Châu Trinh năm 2010. Ảnh: Tường Vân.

Năm 2009, đại hội thế giới về Tối ưu hóa toàn cầu lần thứ nhất quyết định trao giải thưởng mang tên nhà toán học Constantin Caratheodory. Trong đại hội lần thứ hai được tổ chức ở Chania, Hy Lạp từ ngày 3 đến 7/7, hội đã quyết định trao tặng giải thưởng đầu tiên cho giáo sư Hoàng Tụy, người có đóng góp tiên phong cho tối ưu hóa toàn cục.

GS Hoàng Tụy sinh năm 1927, là tiến sĩ về toán học, nghiên cứu hàm thực, lý thuyết tối ưu, giải tích lồi, toán kinh tế. Ông từng là Viện trưởng Viện Toán học, giáo sư thỉnh giảng của nhiều đại học trên thế giới. Ông là người gây dựng cơ sở và tổ chức ứng dụng toán học vào quản lý kinh tế ở Việt Nam, đồng thời nghiên cứu và góp sức vào chấn hưng giáo dục và các vấn đề kinh tế, xã hội của đất nước. Ông được trao giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 1 năm 1996, giải thưởng Phan Châu Trinh năm 2010.

<>Hoàng Thùy

Giảng viên... chạy sô

Trường ĐH mở ra khắp nơi, số sinh viên tăng ào ạt trong khi lực lượng giảng viên chỉ nhích từng chút một khiến tình trạng giảng viên chạy sô càng trở nên trầm trọng.

Một thầy dạy 4-5 trường ĐH không có thời gian ăn trưa, phải thuê cả trợ giảng để thay thế những lúc không thể sắp xếp thời gian... là những tình huống phổ biến về giảng viên (GV) hiện nay.

Thầy... chạy

Một sinh viên (SV) lớp quản trị kinh doanh năm thứ 3 trường ĐH Mở TP.HCM kể: “Lớp em chủ yếu là GV thỉnh giảng đến từ các trường khác như ĐH Kinh tế TP.HCM, ĐH Nông lâm, ĐH Ngoại thương”. Nhóm SV năm cuối của lớp đầu tư cũng chia sẻ: “Có tới hơn nửa thầy cô của trường khác tới dạy. Nhiều lúc thầy bận họp gấp, phải đi công tác xa hoặc có lịch dạy trường nào đó thì thầy lại hẹn SV học bù vào hôm khác”. Những SV này còn cho biết thêm, các thầy cô dạy một lúc nhiều trường nên muốn gặp thầy để hỏi bài cũng khó, có khi phải đợi 3, 4 ngày hoặc cả tuần. “Có bữa, còn tới 15 phút nữa mới hết giờ nhưng thầy đã vội vàng kết thúc và nói “các em thông cảm tôi có việc bận, để hôm sau tôi bù”. Thực chất là đến giờ dạy ở trường khác nên thầy phải chạy thôi”, SV Lưu Hải - trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, cho biết.

Chênh lệch quá lớn

Quy trình, thủ tục thành lập trường ĐH-CĐ do Bộ GD-ĐT ban hành năm 2007 quy định tỷ lệ SV/GV như sau: Từ 5 - 10 SV/GV đối với các ngành đào tạo năng khiếu, từ 10 - 15 SV/GV đối với các ngành đào tạo khoa học kỹ thuật và công nghệ, từ 20 - 25 SV/GV đối với các ngành đào tạo khoa học xã hội, nhân văn và kinh tế - quản trị kinh doanh. Có ít nhất 50% số GV đạt trình độ thạc sĩ, tiến sĩ. Thế nhưng đến năm 2010, tỷ lệ trung bình SV/GV của 376 trường ĐH-CĐ trong cả nước là 28/1, trong đó có những trường tỷ lệ này rất cao như trường ĐH Ngoại ngữ -Tin học TP.HCM: 47,3/1, trường ĐH Mở TP.HCM: 41,2/1, trường ĐH Hồng Bàng: 40,2/1...

Tại những trường ĐH dân lập và các trường ĐH ở địa phương, tình trạng này càng phổ biến. Một GV trường ĐH Bạc Liêu công nhận: “Nhóm ngành kinh tế của trường mình chủ yếu mời các thầy từ các trường ĐH ở TP.HCM hoặc ĐH Cần Thơ. Các thầy nhiều khi không sắp xếp được thời gian nên khiến SV phải nghỉ học hoặc đợi học bù”. Nhiều SV trường ĐH Văn Hiến, ĐH Hùng Vương… phản ánh vì thầy cô chạy sô nên chuyện nghỉ học bất ngờ hay học bù vào thứ bảy, chủ nhật là bình thường.

Một GV môn tiếng Anh cơ hữu trường ĐH Hoa Sen được trường ĐH RMIT và CĐ nghề Việt Mỹ thỉnh giảng cho biết: “Mình phải dạy cả thứ bảy, chủ nhật. Tuy nhiên, mình còn sắp xếp được thời gian chứ có nhiều thầy dạy một lúc cả 4, 5 trường, chưa kể các trung tâm, các khóa học bên ngoài”. GV này thông tin thêm có thầy dạy môn marketing đắt sô lắm, dạy các trường như ĐH Kinh tế, ĐH Kinh tế tài chính, ĐH Cần Thơ, các trường ĐH ở miền Tây... đến nỗi thầy phải thuê cả trợ giảng để chấm bài, góp ý tưởng cho giáo án, dạy thay khi thầy quá bận...

Trường không quản lý được

PGS-TS Nguyễn Việt - Phó hiệu trưởng trường ĐH Kinh tế TP.HCM, một trong những trường có nhiều GV chạy sô nhất, nhận định: “Phải có sự đồng ý của hiệu trưởng thì GV mới được đi làm thêm ở nơi khác. Tuy nhiên, trên thực tế, chúng tôi cũng không thể quản lý hết được vì có thầy nhận thỉnh giảng trường khác mà không báo cáo. Trường chỉ có thể nhắc nhở là các thầy nên hạn chế việc này để làm sao đảm bảo được chất lượng giảng dạy tại trường”.

“Nhu cầu xã hội quá lớn, trường ĐH-CĐ mở ra quá nhiều nên không đủ GV cơ hữu, buộc phải mời thỉnh giảng từ các trường khác nhau” - PGS-TS Nguyễn Việt - Phó hiệu trưởng trường ĐH Kinh tế TP.HCM

PGS-TS Dương Anh Đức - Phó hiệu trưởng trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM), chia sẻ: “Không có chế tài nào đối với GV “chạy sô” cả nếu họ vẫn đảm bảo hoàn thành tốt công việc của mình tại trường. Dù biết chất lượng giảng dạy của GV tại trường sẽ bị ảnh hưởng, nhưng không thể ngăn cấm”.

Tại trường ĐH An Giang, có thời điểm SV phải nghỉ học liên tục vì không thể sắp xếp được GV. Thạc sĩ Hoàng Xuân Quảng - Phó hiệu trưởng trường này, cho hay: “Hiện toàn trường có khoảng 650 GV giảng dạy ở 35 ngành ĐH, 7 ngành CĐ và một số ngành ở hệ trung cấp. Tuy nhiên, số lượng này vẫn thiếu khi đào tạo theo tín chỉ. Đáng nói nhất là ở khối ngành kinh tế, trường chỉ có 45 GV, trong đó 1/3 số này đang đi học ở các cấp cao hơn. Trước đây, chúng tôi mời GV kinh tế từ các ĐH của TP.HCM nhưng thời gian gần đây, các trường ở TP.HCM có nhu cầu rất lớn về GV, nên họ không nhận lời dạy ở tỉnh xa như An Giang. Trước tình hình đó, chúng tôi phải linh động mời GV từ ĐH Cần Thơ, các cán bộ hoạt động ở đơn vị trên địa bàn tỉnh... có trình độ từ thạc sĩ trở lên và có kinh nghiệm công tác giảng dạy ở trường”.

Theo PGS-TS Việt: “Nhu cầu xã hội quá lớn, trường ĐH-CĐ mở ra quá nhiều nên không đủ GV cơ hữu, buộc phải thỉnh giảng từ các trường khác nhau”. Trong khi đó, PGS-TS Dương Anh Đức khẳng định: “Tất cả trường lớn hiện nay đều lâm vào tình trạng này. Có trường hợp một số GV của trường chúng tôi kiêm luôn vai trò quản lý tại các trường tư. Trường vẫn thuyết phục GV rời bỏ vị trí đó, chỉ cộng tác, tư vấn. Cũng có GV gắn bó với trường kia hơn thì xin nghỉ tại trường”.

Hầu hết GV thì cho rằng, thu nhập hằng tháng còn thấp khiến GV phải chạy sô nhiều nơi. Được biết, mỗi giờ giảng được khoảng 100-150 ngàn đồng. Ví dụ mỗi tuần dạy thêm 6 buổi tối, mỗi buổi 4 tiết thì sẽ được khoảng 2,5 - 3 triệu đồng. Một số GV trẻ trường ĐH Kinh tế TP.HCM than phiền: “Nếu ra đi làm công ty mỗi tháng thu nhập được cả ngàn USD/tháng, nhưng đi dạy thì lương chỉ được khoảng 3 - 4 triệu đồng/tháng”.

Theo Mỹ Quyên - Đăng Nguyên
Thanh Niên


Thứ Hai, 26 tháng 9, 2011

Kết luận cuối vụ ‘thầy giáo ăn tiền sinh viên’


Sau khi xem xét và tiến hành xác minh nội dung đơn tố cáo của sinh viên và phụ huynh sinh viên đối với PGS.TS Nguyễn Bá Diến về việc nhận tiền hối lộ, Khoa luật (ĐHQG HN) đã bác bỏ những thông tin "vu khống" vì không đủ cơ sở kết luận.

Trên cơ sở báo cáo của hai tổ xác minh, Hội đồng xem xét kỷ luật do GS.TS Phạm Hồng Thái (chủ nhiệm khoa) làm Chủ tịch hội đồng cùng đại diện của các bộ phận tổ chức cán bộ trong khoa đã có bản báo cáo kết luận số 536/KL, bác bỏ những nội dung do những sinh viên “nhằm vu khống, hạ bệ danh dụ với PGS.TS Nguyễn Bá Diễn”.

PGS.TS Nguyễn Bá Diễn.
Theo đó Bản báo cáo kết luận, việc PGS Nguyễn Bá Diễn nhận tiền “đi thầy” của sinh viên các lớp k53 và các khoa khác trong khi hỏi thi các môn thuộc bộ môn Luật Quốc tế quản lý là không có cơ sở.

Và việc thầy Diến phân công con trai là cử nhân Nguyễn Hùng Cường giảng dậy ở một số lớp đại học chính quy là hoàn toàn đúng vì từ trước đến nay, chưa có văn bản nào quy định cụ thể cử nhân không được tham gia giảng dạy – báo cáo trên nhận định.

Sau khi Hội đồng tiến hành bỏ phiếu kín xem xét xử lý kỷ luật với PGS Diễn về việc sai phạm quy chế trong khi hỏi thi các môn thuộc Bộ môn luật Quốc tế quản lý, kết quả 05/05 phiếu đồng thuận đánh giá chưa đến mức kỷ luật.

Sa Hà

Đang tìm phương án di dời học sinh của trường Thăng Long

Nhiều phụ huynh có con học tại Trường Tiểu học Thăng Long (Hoàn Kiếm, Hà Nội) bức xúc trước việc nhà trường định “dồn” hơn 400 học sinh vào học ở nhà dân để xây trường mới. Lãnh đạo Phòng GDĐT quận Hoàn Kiếm cho biết, đó chưa phải là phương án chính thức.

Phòng GDĐT quận Hoàn Kiếm cho biết, Trường Tiểu học Thăng Long đã được quyết định đầu tư xây dựng lại tổng thể theo các tiêu chí trường chuẩn quốc gia.

Trong buổi họp phụ huynh đầu năm học 2011-2012, nhà trường đã thông báo cụ thể kế hoạch xây dựng và lấy ý kiến góp ý của phụ huynh về việc chọn địa điểm học tạm trong thời gian trường được xây dựng. Theo phương án của nhà trường, khối lớp 1 và lớp 4 sẽ học tại Cung Thiếu nhi Hà Nội; khối lớp 5 học tại Trường THCS Nguyễn Du; còn khối lớp 2 và 3 học tại một ngôi nhà 6 tầng ở 319 phố Bạch Đằng. Trong đó, địa điểm học của khối 2 và 3 không được phụ huynh nhất trí vì ngôi nhà không có đủ các điều kiện cho việc dạy - học và bảo đảm an toàn cho học sinh.

Theo lãnh đạo Phòng GDĐT quận, đây mới là phương án dự kiến chứ chưa phải phương án chính thức. Lãnh đạo quận và nhà trường vẫn đang tích cực tìm địa điểm học tạm phù hợp. Phương án dự kiến của lãnh đạo Phòng GDĐT hiện nay là phân công các trường tiểu học Phúc Tân, THCS Lê Lợi và THCS Hoàn Kiếm hỗ trợ Trường Thăng Long trong thời gian nhà trường xây mới. Việc di dời học sinh cũng chưa thực hiện ngay, ít nhất cũng phải đến sau khi kết thúc học kỳ I năm học 2011-2012 mới tiến hành.

Trước đó, các phụ huynh của Trường Tiểu học Thăng Long đã rất bức xúc trước việc nhà trường định “dồn” 400 học sinh vào một ngôi nhà hình ống, diện tích mặt tiền chỉ 4m2 và không có sân chơi. Các phụ huynh cho biết, các phòng học chỉ có diện tích khoảng 27m2, mỗi tầng chỉ có 1 nhà vệ sinh, rất bí và không đảm bảo an toàn cho học sinh.

<>Đ.H

Giảm tải hay chỉ là điều chỉnh sách giáo khoa?

Đến thời điểm này, tài liệu hướng dẫn giảm tải đã được triển khai tại các Sở GDĐT trên cả nước. Nhận xét bước đầu của những người trực tiếp đứng lớp cho biết, giảm tải chưa thật sự có ý nghĩa, đặc biệt ở khối THCS và THPT.

Chỉ giảm được 1,5 tiết

Nhiều giáo viên cho biết, tài liệu hướng dẫn giảm tải hiện nay mới chỉ lược bớt nội dung một cách cơ học.

Theo hướng dẫn giảm tải của Bộ GDĐT, lượng kiến thức giảm nhiều nhất là ở khối 12 với tỷ lệ giảm 11% ở học kỳ I và 12,5% ở học kỳ II. Thế nhưng, nếu xét riêng lẻ từng môn sẽ thấy, tỷ lệ giảm này là không đáng kể. Như bài “Nhân vật giao tiếp” (sách Ngữ văn lớp 12 tập 2) trước đây được giáo viên dạy trong 2 tiết, nay chuyển sang hình thức dạy “Tự học có hướng dẫn” với thời lượng khoảng nửa tiết. Như vậy, môn ngữ văn 12 với thời lượng cũ là 105 tiết cả năm, nay được giảm tải 1,5 tiết.

Cũng như vậy, thời lượng của môn ngữ văn lớp 11 là 123 tiết/cả năm học thì nay được giảm tải 3 bài, có bài chỉ được điều chỉnh phần chú thích.

Đối với môn toán, GS Văn Như Cương cho biết, tài liệu giảm tải chỉ áp dụng với chương trình chuẩn nhưng lại bỏ qua chương trình nâng cao, trong khi số tiết của chương trình nâng cao nhiều và nặng hơn chương trình chuẩn. Mặc dù đã có giảm tải nhưng vẫn còn nhiều bài, thậm chí cả mảng kiến thức không cần thiết, quá khó đối với học sinh phổ thông nhưng không được cắt giảm như số phức, phép biến hình…

Chưa hợp lý

Nhiều giáo viên trực tiếp thực hiện tài liệu giảm tải cho biết, tài liệu chưa hợp lý. Bài cần giảm thì không được cắt, trong khi những bài cần thiết, mang nội dung cơ bản thì lại bị yêu cầu cắt bỏ.

Ví dụ như đối với chương trình ngữ văn ở THCS, nhiều giáo viên cho biết, phần nghị luận về hiện tượng xã hội và nghị luận về tư tưởng xã hội quá khó, trừu tượng với học sinh lứa tuổi này, cần được cắt bỏ thì không được tinh giảm. Bộ GDĐT lại yêu cầu tinh giảm cách làm văn nghị luận, văn chứng minh của lớp 6, 7, chỉ yêu cầu học sinh biết khái niệm sơ lược. Trong khi đó, đến lớp 8, các em lại phải học văn chứng minh, giải thích. Cô L.A, giáo viên Trường THCS Đống Đa cho biết, đây là điều không hợp lý. Nếu học sinh chỉ biết một cách sơ lược về khái niệm văn nghị luận, chứng minh mà không được thực hành thì sẽ không thể làm được bài, không nắm được kỹ năng viết văn chứng minh, giải thích. Như vậy đến lớp 8, các em sẽ phải học lại kỹ năng này. Chính vì thế, nhiều giáo viên rất lúng túng không hiểu phải tinh giảm thế nào để các em vẫn có được nền kiến thức cơ bản cho các lớp học kế tiếp.

Tương tự như vậy, ở môn Sinh học lớp 12, các giáo viên cho rằng, bài "Quy luật di truyền của Mendel" là bài học quá khó nhưng lại không được cắt giảm, trong khi bài "Thuyết tiến hóa của Lamac" là phần quan trọng giúp học sinh có căn cứ để so sánh với các học thuyết sau lại bị cắt bỏ.

Thầy Đ.C (giáo viên Lịch sử Trường THPT Lương Thế Vinh) cho biết, môn Lịch sử cũng được giảm tải ở mức độ vừa phải, thế nhưng lại không giảm hẳn từng bài mà lại cắt cúp từng phần trong một số bài khiến giáo viên khá lúng túng.

Ông Vũ Đình Chuẩn, Vụ trường Vụ THPT (Bộ GDĐT) cho biết, việc giảm tải là bỏ bớt nội dung chưa cần thiết, tạo điều kiện cho học sinh tiếp thu kiến thức thuận lợi hơn, đồng thời giáo viên có điều kiện đổi mới phương pháp dạy học, đánh giá học sinh. Thế nhưng, theo đánh giá của nhiều giáo viên, việc cắt giảm này còn nhỏ lẻ và vụn vặt, chỉ có thể gọi là “điều chỉnh SGK” chứ chưa thể gọi là “giảm tải”.

<>Nguyên Minh

Chủ Nhật, 25 tháng 9, 2011

UBND TP Hà Nội yêu cầu kiểm tra vấn đề báo chí nêu về lạm thu

UBND TP Hà Nội vừa có công văn số 3449/VP-VHKG ngày 22/9 gửi Sở GD-ĐT, UBND các quận huyện, thị xã về giải quyết sự việc báo Dân trí và một số báo khác nêu về tình trạng lạm thu.

Theo nội dung công văn, một số báo ra gần đây đăng bài phản ánh hiện tượng các khoản thu đầu năm học tại một số trường học như báo Dân trí số ra ngày 14/9/2011 đăng bài “Phụ huynh thắc mắc về 12 khoản thu tự nguyện ở THCS Đền Lừ”; báo Thanh Niên số ra ngày 14/9/2011 đăng bài “Phụ huynh kêu trời vì lạm thu”; báo Hà Nội mới số ra ngày 20/9/2011 đăng bài “Lạm thu tiền trường, quản lý bó tay”…

Về việc này, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, có ý kiến chỉ đạo giao Sở GD-ĐT chủ trì, phối hợp với UBND quận huyện, thị xã yêu cầu:

Báo cáo UBND thành phố kết quả kiểm tra việc thu - chi ở các trường học theo kết luận chỉ đạo của Đoàn giám sát của Ban Dân nguyện Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 23/8/2011 và chỉ đạo của UBND Thành phố.

Chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra tất cả các trường học của thành phố về việc việc thu - chi theo đúng quy định.

Kiểm tra, giải quyết ngay các vấn đề cụ thể mà các báo nêu như báo Dân trí số ra ngày 14/9/2011, báo Thanh Niên, báo Hà Nội Mới (nếu có)… và có văn bản trả lời các báo nêu trên để thông tin tới bạn đọc.

UBND TP Hà Nội yêu cầu các đơn vị báo cáo kết quả thực hiện với UBND TP trước ngày 30/9/2011.

Hồng Hạnh


Thứ Bảy, 24 tháng 9, 2011

Gian lận trong xác định chỉ tiêu sẽ bị dừng tuyển sinh

Bộ GD-ĐT vừa công bố Dự thảo Quy định việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh trình độ tiến sỹ, thạc sỹ, đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp. Theo đó, những cơ sở đào tạo gian lận trong xác định chỉ tiêu tuyển sinh sẽ bị dừng tuyển sinh.

Theo tiêu chí, nguyên tắc xác định chỉ tiêu tuyển sinh của Dự thảo về giảng viên, giáo viên, giảng viên cơ hữu trong một cơ sở đào tạo được quy đổi thống nhất về cùng một trình độ.

Cơ sở đào tạo đại học: Lấy số giảng viên có trình độ thạc sĩ làm cơ sở xác định chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo trong năm. Giảng viên có trình độ khác, được quy đổi về giảng viên có trình độ thạc sĩ. Cơ sở đào tạo cao đẳng và cơ sở đào tạo trung cấp chuyên nghiệp: Lấy số giảng viên có trình độ đại học làm cơ sở xác định chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp hệ chính quy trong năm. Giảng viên, giáo viên có trình độ khác được quy đổi về giảng viên, giáo viên có trình độ đại học.

Tiêu chí xác định chỉ tiêu tuyển sinh, tiêu chí 1: Số học sinh, sinh viên chính quy/1 giáo viên, giảng viên quy đổi. Tiêu chí 2: Diện tích sàn xây dựng trực tiếp phục vụ đào tạo thuộc sở hữu của cơ sở đào tạo/1 sinh viên.
Những cơ sở đào tạo gian lận trong xác định chỉ tiêu tuyển sinh sẽ bị dừng tuyển sinh.

Nguyên tắc xác định chỉ tiêu tuyển sinh, cơ sở đào tạo xác định chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm để phải đạt đồng thời cả hai tiêu chí quy định trên. Trong cơ sở đào tạo nhiều trình độ, ưu tiên xác định chỉ tiêu tuyển sinh trình độ cao nhất, sau đó xác định chỉ tiêu tuyển sinh cho trình độ đào tạo thấp hơn cho đến hết số chỉ tiêu đã xác định.

Đối với chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo theo hình thức vừa làm vừa học: Tổng chỉ tiêu: vừa làm vừa học; liên thông đào tạo theo hình thức vừa làm vừa học; văn bằng hai đào tạo theo hình thức vừa làm vừa học năm 2012 được xác định không quá 50% tổng chỉ tiêu tuyển sinh chính quy của cơ sở đào tạo đã xác định; năm 2013 không quá 40%; và từ năm 2014 trở đi không quá 30%.

Đối với các cơ sở đào tạo được giao nhiệm vụ đào tạo để nâng chuẩn giáo viên, nâng cao trình độ cán bộ y tế, đào tạo trong lĩnh vực nghệ thuật, nông lâm thủy sản và một số trường hợp đặc biệt khác thì chỉ tiêu tuyển sinh hệ vừa làm vừa học; liên thông đào tạo theo hình thức vừa làm vừa học; văn bằng hai đào tạo theo hình thức vừa làm vừa học sẽ được Bộ trưởng Bộ GD-ĐT xem xét cụ thể từng trường hợp.

Chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo từ xa của cơ sở đào tạo được phép đào tạo từ xa: Chỉ tiêu tuyển mới đào tạo từ xa được xác định không quá 2,5 lần số sinh viên tốt nghiệp hệ đào tạo từ xa trong năm của cơ sở đào tạo. Cơ sở đào tạo từ xa khóa đầu tiên, chỉ tiêu mỗi ngành được phép đào tạo không quá 500 chỉ tiêu.

Hàng năm, Bộ GD-ĐT sẽ tổ chức kiểm tra, thanh tra thực tế việc xác định chỉ tiêu và thực hiện chỉ tiêu tuyển sinh của các cơ sở đào tạo. Những cơ sở đào tạo gian lận trong xác định chỉ tiêu tuyển sinh sẽ bị dừng tuyển sinh. Mỗi năm có gian lận sẽ bị dừng tuyển sinh 1 năm.

Những cơ sở đào tạo thực hiện tuyển sinh vượt từ 15% trở lên so với chỉ tiêu Bộ GD-ĐT đã thông báo sẽ bị xử phạt theo các quy định hiện hành và bị trừ chỉ tiêu tuyển sinh của năm sau. Số bị trừ bằng tổng số tuyển vượt của các năm trước.

Các cơ sở đào tạo không thực hiện đúng quy định trên, Bộ GD-ĐT không thông báo chỉ tiêu tuyển sinh cho năm sau.

Hồng Hạnh

Thứ Sáu, 23 tháng 9, 2011

Tạo mọi điều kiện tốt nhất để HS vùng lũ đến trường

Sáng nay 24/9, giám đốc Sở GD-ĐT An Giang và Đồng Tháp cho biết ngành giáo dục 2 tỉnh này đang tích cực triển khai mọi biện pháp để bảo vệ an toàn cho học sinh ở vùng lũ đến trường.

Hiện nay, lũ đầu nguồn sông Cửu Long về nhanh và mực nước dâng lên rất cao nên đã ảnh hưởng rất lớn đến việc đi lại của người dân, trong đó có việc đến trường của các em học sinh (HS).

An Giang: Vận động hỗ trợ áo phao cho HS

Trao đổi với phóng viên Dân trí sáng nay, ông Nguyễn Thanh Bình - giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh An Giang cho hay đến lúc này HS các trường vẫn đi học bình thường dù nước lũ đã lên cao.
Theo ông Bình, do lũ ở vùng ĐBSCL khác với lũ miền Trung, lũ đồng bằng thường kéo dài đến 2 tháng vì thế việc cho HS nghỉ học trong khoảng thời gian này sẽ rất khó. Ông Bình nhận định, qua khảo sát hiện chỉ có các tuyến đường đi ở vùng lũ huyện An Phú, Tân Châu ngập chứ các trường vẫn còn khô ráo nên không gây ảnh hưởng lớn đến việc giảng dạy.
Học sinh vùng lũ được đưa rước bằng xuồng để bảo đảm an toàn trong mùa lũ. (Ảnh CTV)
Song, do lũ đang lên nhanh nên ngành đã phối hợp với các địa phương chuẩn bị mọi điều kiện tốt nhất cho các em đến trường an toàn. Trong đó, các cấp chính quyền đã tổ chức phát áo phao, cặp phao cho HS ở tất cả các cấp học. Tuy nhiên, do số lượng HS ở vùng lũ khá đông, khoảng trên 1.500 em nên hiện tại chưa đủ đồ dùng để phát hết cho các em. Những em chưa có thì tạm thời cho mang can nhựa theo. Chính vì thế, ngành đang vận động thêm từ các tổ chức, cá nhân hỗ trợ áo phao để giúp các em đến trường an toàn.

Ngoài ra, ngành cũng đề nghị địa phương vận động phụ huynh không cho các em tự bơi xuồng cũng như lội bộ đến trường mà phải có người lớn đưa rước, canh chừng. “Thời gian tới, nếu mực nước lũ lên nhanh và ngày càng mạnh hơn thì ngành sẽ xem xét cho các em nghỉ học một khoảng thời gian để đảm bảo an toàn cho các em” - ông Bình nhấn mạnh.

Cũng theo giám đốc Sở GD-ĐT An Giang, những lớp học 2 buổi thì đề nghị phụ huynh sáng mang cơm theo để các em ăn tại trường và học tiếp buổi chiều, sau đó mới về nhà. Ông Bình cho biết, ở An Giang đến lúc này vẫn chưa có trường hợp nào đáng tiếc xảy ra do mưa lũ liên quan đến HS.

Đồng Tháp: Một số trường đã cho HS nghỉ học

Trong khi đó, tại Đồng Tháp, theo giám đốc Sở GD-ĐT Hồ Văn Thống, cho biết trong cuộc họp mới đây, lãnh đạo UBND tỉnh đã có chỉ đạo khẩn là trường học nào ngập, tuyến đường nào nước chảy mạnh thì phải cho HS nghỉ học.

Trao đổi với phóng viên Dân trí sáng nay, ông Thống cho hay, theo sự chỉ đạo của tỉnh thì ngành đã cho HS ở một số trường vùng lũ thuộc thị xã Hồng Ngự, huyện Hồng Ngự, huyện Tân Hồng nghỉ học. "Việc cho nghỉ học nhằm đảm bảo an toàn tính mạng các em và tài sản của các trường. Khi nào học lại, ngành sẽ có thông báo kịp thời căn cứ vào tình hình mưa lũ ở mỗi địa phương" - ông Thống nói.
Nhiều phụ huynh đưa trẻ nhỏ đến các nhà trẻ để an tâm hơn khi đi mưu sinh trong mùa lũ. (Ảnh: CTV)
Cũng theo ông Thống, những trường nào chưa ngập thì vẫn cho HS đi học bình thường. Sở cũng đề nghị địa phương tổ chức phương tiện đưa rước các em một cách toàn. Bên cạnh đó, những trường mẫu giáo thì Sở có chỉ đạo lãnh đạo các trường đưa các em ra học ở các lớp bán trú nông thôn, mẫu giáo cộng đồng, ở các điểm giữ trẻ.

Khẳng định với phóng viên Dân trí, lãnh đạo ngành giáo dục 2 tỉnh An Giang và Đồng Tháp đều cho biết, mùa lũ ở vùng ĐBSCL diễn ra hàng năm và mỗi năm đều có mức độ ảnh hưởng khác nhau. Song, ngành giáo dục luôn luôn chuẩn bị để chăm lo cho các em HS được an toàn và kịp thời tiếp nhận kiến thức cùng với các vùng miền khác.

Huỳnh Hải

Dạy đạo đức hay... phản đạo đức?

Dư luận đang xôn xao trước một tài liệu môn đạo đức đang được giảng dạy tại một trường THPT của Hải Phòng. Vấn đề đặt ra ở đây là các em sẽ học được gì từ những câu văn ngây ngô và những giải thích có phần sai lệch như vậy?

Dạy học sinh hành động mất văn hóa

Chị L., một phụ huynh có con đang học lớp 10 Trường THPT Đồng Hòa (Kiến An, Hải Phòng) bức xúc cho biết: “Con gái đang cắm cúi chép bài đạo đức bỗng nhiên gọi mẹ để hỏi và đưa cuốn sách được trường bán và giảng dạy tại trường. Tôi cầm quyển sách và đọc. Đọc hết cuốn sách, tôi thật sự sốc vì nội dung của nó. Cuốn sách gồm 16 bài giảng đạo đức, mỗi bài được dạy trong một tuần và các cháu phải chép bài thu hoạch để thầy cô chấm điểm. Bố cục của mỗi bài lộn xộn, cách hành văn và ngôn ngữ thiếu chuẩn mực, sai kiến thức cơ bản. Tác giả không phân biệt được thành ngữ, tục ngữ, ca dao hay những câu châm ngôn, những câu nói đời thường. Tất cả đều quy về tục ngữ! Nhiều bài, tác giả còn trích dẫn những câu "Tục ngữ” để vận dụng chúng vào những tình huống đạo đức một cách lệch lạc”.

Có thể nhận thấy điều này rõ rệt qua từng trang của cuốn sách.

Bài đầu tiên, với tiêu đề "Cách cư xử lúc ra đường và ở nơi công cộng", tác giả viết: "Tục ngữ có câu: "Tiên học lễ, hậu học văn". Câu này cho thấy mỗi học sinh phải học lễ, học văn hóa. Các em phải có ý thức tự trọng, giữ gìn danh dự để người khác không thể chê trách được!”

Bài "Cách cư xử với anh chị em trong gia đình" có đoạn: "Nếu làm em thì phải biết kính trọng anh chị, phải biết giúp đỡ anh chị những việc trong nhà những việc vừa sức với mình như tục ngữ có câu: "Chị ngã em nâng"!

Bài "Trang phục khi ra đường" viết: "Khi ra đường ta phải ăn mặc kín đáo, giản dị theo truyền thống của nhân dân ta, không ăn mặc lố lăng, lòe loẹt, hở hang. Tục ngữ có câu: "Đói cho sạch, rách cho thơm", vì vậy quần áo phải được giặt sạch, là phẳng!"

Bài “Cách cư xử lúc ra đường và ở nơi công cộng”, tác giả còn khuyến khích các em có những hành động mất văn hóa như: “Khi đi xe trên đường muốn khạc nhổ thì phải lưu ý có người đang đi sau mình, đề phòng có gió thổi đờm hoặc nước rãi bay vào mặt người ta”.... (?)

Tác giả cuốn sách là cô Hiệu trưởng

Phụ huynh học sinh trên cho biết: “Tôi cứ băn khoăn mãi về nội dung dạy học cho học sinh THPT và trình độ của người viết cuốn "sách" này. Tôi điện hỏi cô chủ nhiệm thì cô bảo: "Nội dung này được giảng dạy ở trường đã 8 năm rồi, không có gì phải bàn luận. Đây là đề tài thạc sỹ và là tâm huyết cả đời dạy học của cô hiệu trưởng". Tôi nghĩ, nội dung giảng dạy tại trường THPT thì phải là SGK, tài liệu chính thức của Bộ GDĐT được qua kiểm duyệt nghiêm ngặt, sách ghi rõ nguồn gốc, xuất xứ, nội dung phù hợp tâm sinh lý lứa tuổi chứ đề tài thạc sỹ làm sao được giảng dạy! Nếu đây là đề tài thạc sỹ thì phải kiểm tra lại, bởi nội dung lệch lạc của nó. Vả lại, nếu muốn quảng bá đề tài, nhà trường sao lại in để bán cho học sinh với giá 20.000đ/cuốn như vậy?”

Lãnh đạo Trường THPT Đồng Hòa cho biết, người biên soạn cuốn sách này là bà Đỗ Thị Lai, Hiệu trưởng nhà trường. Tuy nhiên, lãnh đạo nhà trường lý giải, cuốn sách không dùng để giảng bài mà chỉ để học sinh tham khảo trong tiết sinh hoạt ngày thứ bảy nhằm bổ trợ kĩ năng sống của học sinh và không bắt buộc học sinh phải mua. Thế nhưng nhà trường cũng không giải thích được vì sao các học sinh bắt buộc phải có bài thu hoạch hàng tuần sau mỗi buổi học đạo đức bằng sách này để nộp cho giáo viên. Một học sinh khối 11 của trường cho biết, tuần nào em cũng phải làm bài thu hoạch và bài thu hoạch này được chấm điểm chứ không chỉ là một dạng bài tham khảo.

<>Nguyên Minh

Vẫn loạn tuyển sinh và đào tạo

Việc các công ty liên kết với trường ĐH đào tạo theo địa chỉ sử dụng (ĐTTĐCSD) thực chất chỉ là để trục lợi chứ các doanh nghiệp thực tế không có nhu cầu sử dụng...

Thế nhưng, hiện nhiều trường ĐH vẫn tiếp tục đào tạo cho các công ty và còn được “hợp thức hóa” bằng những văn bản của các cơ quan quản lý.

Danh sách thí sinh đầy nghi vấn

Công ty cổ phần đầu tư và phát triển GD-ĐT Thanh Hóa đã liên kết với nhiều trường ĐH để ĐTTĐCSD. Trong đó những ngành nghề đề nghị đào tạo hầu hết không liên quan gì đến lĩnh vực kinh doanh của công ty. Thế nhưng hiện một số trường ĐH lớn tại Hà Nội vẫn tiếp tục đào tạo cho công ty trong đó có Học viện Tài chính, trường ĐH Mỏ - Địa chất... Hiện công ty đã có danh sách TS đề nghị xét tuyển ĐTTĐCSD gửi tới các trường. Tuy nhiên danh sách này có không ít vấn đề đáng nghi vấn.

Sau khi tiến hành tra cứu lại điểm thi của từng TS thuộc danh sách do công ty này tuyển sinh gửi cho Học viện Tài chính, chúng tôi phát hiện nhiều thông tin không xác thực. Ví dụ: một TS trong danh sách là Nguyễn Phương Thảo, sinh ngày 10.5.1993, dự thi khối A vào Học viện Ngân hàng, số báo danh (SBD) 4891, có tổng điểm là 17. Khi tra cứu bằng tên có 14 TS tên Nguyễn Phương Thảo cùng thi vào Học viện Ngân hàng nhưng không có TS nào có các thông tin giống với TS nói trên. Tra cứu bằng SBD thì kết quả lại là một TS khác tên, điểm thi, ngày tháng năm sinh…

TS Lê Thùy Dương sinh ngày 18.12.1993, dự thi khối A vào ĐH Thương mại, SBD 3767, có tổng điểm 3 môn thi là 17,5. Tra cứu bằng tên thì cho kết quả là một TS trùng tên nhưng lại mang SBD khác (70740), ngày tháng năm sinh, khối thi và điểm thi cũng khác. Khi tra cứu bằng SBD thì ra một TS khác… Đáng lưu ý trong danh sách có 41 TS thì đến 8 TS có những thông tin đáng nghi vấn.

Chủ trương còn mập mờ

Theo văn bản hướng dẫn của Bộ GD-ĐT, việc đề nghị tuyển sinh theo địa chỉ sử dụng chỉ thuộc trách nhiệm của UBND các tỉnh thành phố. Cơ quan này cũng có nghĩa vụ lập danh sách TS đề nghị được tuyển sinh. Vì vậy, việc các công ty đề nghị với trường ĐH để đào tạo là sai quy định. Để hợp thức hóa việc đào tạo này, các công ty đã “liên kết” với UBND tỉnh để đơn vị này đứng ra làm công văn đề nghị. Theo tìm hiểu của PV, UBND tỉnh Thanh Hóa đã gửi công văn tới các trường mà Công ty cổ phần đầu tư và phát triển GD-ĐT Thanh Hóa liên kết để đề nghị đào tạo cho công ty. Như vậy, về bản chất thì việc đào tạo vẫn không có gì thay đổi, chỉ khác là UBND tỉnh là đơn vị làm công văn đề nghị thay cho công ty!

Điều đáng ngạc nhiên là một công ty cũng thành lập hội đồng xét tuyển và còn được UBND tỉnh chấp thuận như là chuyện đương nhiên. Công văn của UBND tỉnh Thanh Hóa gửi Học viện Tài chính ngày 14.9, có đoạn: “Căn cứ kết quả xét tuyển của Hội đồng xét tuyển Công ty cổ phần đầu tư phát triển GD-đT Thanh Hóa, UBND tỉnh Thanh Hóa lập danh sách học sinh ĐTTĐCSD năm 2011 tại Học viện Tài chính… Đề nghị học viện này xem xét, phê duyệt danh sách học sinh trúng tuyển đào tạo hệ chính quy theo địa chỉ năm 2011 cho công ty”.

Như vậy các trường ĐH lại tiếp tục “bắt tay” đào tạo cho công ty như đã thỏa thuận trước đó (tuyển những TS có mức điểm thấp do được ưu tiên và thu học phí cao). Trao đổi với PV, ông Lê Trọng Thắng - Trưởng phòng Đào tạo trường ĐH Mỏ - Địa chất, một trường cũng đào tạo cho công ty nói trên, cho biết: “Việc tuyển sinh và đào tạo cho công ty vẫn diễn ra bình thường vì tỉnh đã có công văn đề nghị. Nhà trường đã làm đúng theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT! Nếu tỉnh đề nghị sai thì tỉnh phải chịu trách nhiệm!?”.

Điều đáng nói là cho đến nay, Bộ GD-ĐT vẫn chưa làm rõ mục đích loại hình đào tạo này. Đào tạo cho ai và để làm gì? Tại sao phải ưu tiên tuyển sinh và đào tạo cho công ty, trong khi các doanh nghiệp nếu có nhu cầu sử dụng thì hoàn toàn có thể tuyển nhân lực trên thị trường lao động?... Có lẽ vì chủ trương còn mập mờ nên trường ĐH và các công ty vẫn công khai liên kết tuyển sinh, đào tạo, thu học phí cao từ người học mà vẫn không bị “thổi còi”!

<>Nộp tiền là... đậu!

Tại trụ sở Công ty CP thương mại đầu tư và phát triển quốc gia (thuê địa điểm tại trường THPT Hữu Nghị, đường Phan Chu Trinh, TP Vinh, Nghệ An), một nhân viên tên Lý giới thiệu chúng tôi vào học ĐH Vinh. Lý nói: “Muốn vào ĐH Vinh thì phải nộp cho công ty 15 triệu đồng. Cứ đưa phiếu báo điểm đến đây và chọn ngành là xong”. Đồng thời Lý còn giới thiệu các trường khác với mức giá như: “Học viện Bưu chính viễn thông 25 triệu đồng, Học viện Tài chính 27 triệu đồng, ĐH Kinh tế quốc dân hơn 30 triệu đồng…”.

Người này thông tin, năm nay, công ty liên kết với 30 trường, một số trường phải có quyết định đồng ý của UBND tỉnh Nghệ An, có trường thì không cần. Khi chúng tôi thắc mắc liệu ra trường có được công ty nhận vào làm không thì Lý nói: “Công ty em nhỏ tí nhận sao hết được, ra trường chủ yếu tự đi xin việc làm thôi”. Tại Công ty CP thương mại và đầu tư giáo dục VN (đường Nguyễn Viết Xuân, TP Vinh), chúng tôi cũng được tư vấn tương tự.

Qua tìm hiểu thực tế ở Nghệ An, các doanh nghiệp xin chỉ tiêu ĐTTĐCSD là những doanh nghiệp nhỏ lẻ, chỉ có vài nhân viên. Việc xin chỉ tiêu để đào tạo và sử dụng lao động chỉ là cái cớ, còn thực chất là để thu tiền “lệ phí đầu vào” của TS điểm thấp. Vì sau khi TS nhập học thì quan hệ giữa người học và doanh nghiệp cũng coi như chấm dứt. Thế nhưng ĐH Vinh đã nhận đào tạo hệ ĐTTĐCSD từ 3 năm nay.

PGS-TS Phạm Minh Hùng - Hiệu phó trường ĐH Vinh, thừa nhận học phí đào tạo của hệ này là huy động ở người học nên cao hơn những TS khác từ 1,5-2 lần, dù được xếp học chung lớp. Tuy nhiên, ông Hùng cho biết: “ĐH Vinh không có chủ trương và không hề biết việc các đơn vị gửi đào tạo thu tiền phí (15 triệu đồng) của TS?!”.

Tình trạng liên kết để ĐTTĐCSD cũng rất tréo ngoe. Có trường từ đồng bằng sông Cửu Long nhưng lại liên kết đào tạo nhân lực cho Hà Nội. Ví dụ: ĐH Trà Vinh (thuộc tỉnh Trà Vinh) nhưng lại thông báo xét tuyển ĐTTĐCSD cho Công ty viễn thông và công nghệ miền Bắc, hoặc với trường Trung cấp Công thương Hà Nội. Tại nơi nhận hồ sơ tuyển sinh ĐTTĐCSD của ĐH Trà Vinh (thuê tại Trung tâm đào tạo vận động viên cao cấp Hà Nội, đường Lê Đức Thọ, Mỹ Đình, Từ Liêm), một người phụ nữ tự xưng là cán bộ tuyển sinh cho biết TS trúng tuyển vào trường sẽ học ngay tại Trung tâm đào tạo vận động viên cao cấp Hà Nội.

Sau khi tốt nghiệp sẽ được cấp bằng chính quy của ĐH Trà Vinh nhưng không phải cứ xét tuyển hệ này là được vào làm ở công ty! Ông Liêu Thanh Tâm - Phó phòng Đào tạo của trường ĐH Trà Vinh, cho biết: “Đây là hệ đào tạo do Trung tâm hợp tác đào tạo của trường thực hiện!”. Tuy nhiên, ông Tâm đã từ chối xác nhận các thông tin nêu trên với lý do: “Phòng đào tạo không được trường giao quản lý hệ đào tạo này”!

Theo Thanh Niên

Thứ Năm, 22 tháng 9, 2011

Trường học vắng hoe sau ca tử vong vì tay chân miệng

Trường mầm non số 5, phường Ngọc Hà, quận Ba Đình, Hà Nội ngày thường tấp nập với gần 500 học sinh đến lớp mỗi ngày. Nhưng hôm nay, sau 3 ngày em học sinh H.T.B.N (học sinh của trường) tử vong vì tay chân miệng, số em đến trường chỉ còn... 52 em.

Chưa bằng sĩ số của một lớp!

Sáng 23/9, chia sẻ với phóng viên Dân trí, cô giáo Đỗ Thị Bích Vân, hiệu trưởng trường mầm non số 5 buồn bã nói: “Hôm nay, số học sinh tới trường chỉ còn 52 em. Con số này, chưa bằng sĩ số của một lớp. Các cô giáo vẫn đến trường, nhưng các con thì vắng quá”.
Trường mầm non số 5, phường Ngọc Hà, nơi có bé B.N theo học. Ảnh: N.Toàn
Sáng thứ 3 (20/9), học sinh đến trường vẫn đạt con số 412/488 trẻ. Cùng chiều thứ 3, ngay sau khi em học sinh H.T.B.N tử vong, Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội đã cử người đến để phun khử khuẩn, vệ sinh toàn bộ lớp học, đồ chơi, đồ dùng của các bé… Ngay lập tức sáng hôm sau đã có tác động. Sáng thứ 4 chỉ còn 280 em đến trường, sáng thứ 5 còn 126 em tới lớp và sáng nay, con số này còn thụt thảm hại hơn, chỉ có 52 bé. Chưa bằng sĩ số lớp của bé H.T.B.N ngày thường với 59 em đi học đều đặn.
Lớp học vắng tanh, chỉ có cô không có trò. Ảnh: N.Toàn

Theo cô Vân, phụ huynh lo lẳng, hoảng sợ sau ca tử vong của một em học sinh trong trường là khó tránh khỏi, nhất là thời điểm này, những thông tin về tay chân miệng trong cả nước khiến nhiều người lo sợ. Nhưng bản thân cô cũng không thể lường được sự việc lại tác động mạnh tới phụ huynh như vậy. Trong số 52 em học sinh đến lớp hôm nay phần lớn là con của những cặp vợ chồng trẻ, không thể có chỗ trông gửi con nên đành đưa con tới lớp. Đại đa số các bé còn lại đều được để ở nhà với ông bà, người giúp việc, thậm chí bố mẹ nghỉ làm trông con, hoặc gửi con ở các nhóm trông tư thục…

Cô Vân cho rằng, phụ huynh lo lắng nhiều bởi có rất nhiều tin đồn thất thiệt xung quanh việc bé B.N tử vong. “Trường ở ngay giữa làng Ngọc Hà, ngay sau khi thấy y tế về phun khử khuẩn, rất nhiều tin đồn đã làm sai lệch sự việc. Có tin nói, bé B.N chết ngay trên tay cô giáo, rồi lại có tin, hiện một cháu cùng lớp B.N cũng đang bị tay chân miệng rất nguy kịch… Chính những tin đồn này đã làm phụ huynh ngại đưa con tới lớp, dù trường lớp, phòng học, đồ dùng, đồ chơi đã được cơ quan y tế khử trùng bằng cloraminB sạch sẽ”, cô Vân nói.

Nhưng thực tế, cả 448 em học sinh đều đang được y tế dự phòng phường giám sát, đến nay, chưa phát hiện em nào có biểu hiện tay chân miệng. “Ngay cả phụ huynh học sinh họ cũng rất chủ động, cùng lớp em học sinh B.N, phần lớn các mẹ đều đã đưa con đi khám nhưng cũng chưa có trường hợp nào có biểu hiện tay chân miệng”, côn Vân cho biết.

Cô Vân cũng chia sẻ thêm, việc vệ sinh lớp học, đồ dùng của các con tại trường được thực hiện rất thường xuyên. Đầu tháng 8, trường cũng đã dùng cloraminB được phát để tổng vệ sinh đồ dùng, buồng học. Các con ở trường thường xuyên được cô giáo rửa tay xà phòng diệt khuẩn. Riêng bát ăn, khăn rửa mặt của các con ngày nào cũng được sấy tiệt trùng, mỗi tuần luộc khăn rửa mặt hai lần. “Việc vệ sinh trường lớp, đồ dùng rất sạch sẽ. Vi rút gây bệnh tay chân miệng chúng ta không nhìn thấy để tránh, cũng không biết bé lây từ đâu, nhưng tôi cho rằng, không thể lây từ trường học. Nay trung tâm y tế lại đã vệ sinh lại phòng ốc, đồ dùng sạch sẽ, đảm bảo không còn nguồn lây, nên trường rất mong các gia đình cho con đi học trở lại. Việc cho con nghỉ ở nhà bố mẹ cũng không yên tâm đi làm, rồi gửi ở các nhóm trông tư thục liệu có đảm bảo?”, cô hiệu trưởng nói.

Không nên quá lo lắng!

Thông tin từ Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cho biết, ngay chiều 20/9, khi nhận được thông tin có một học sinh trường mầm non số 5, phường Ngọc Hà, Ba Đình, Hà Nội tử vong do nghi ngờ mắc tay chân miệng, Trung tâm đã cử ngay cán bộ Y tế tới trường để tiến hành công tác khử khuẩn, vệ sinh lớp học.

“Mọi ngóc ngách của từng lớp học đã được phun khửa khuẩn, đồ chơi, đồ vệ sinh cá nhân như khăn mặt, bát đũa đều đã được ngâm rửa bằng dung dịch sát khuẩn cloraminB, đảm bảo không còn nguồn lây. Các em học sinh vẫn đang được y tế dự phòng phường giám sát để kịp thời phát hiện ngay nếu có dấu hiệu bệnh, vì thế các phụ huynh không nên quá hoang mang, lo lắng không dám đưa con tới trường”, Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội cho biết.

“Vi rút tay chân miệng lây qua đường tiêu hóa, chúng ta không thể khẳng định, bé ở nhà là an toàn hơn ở trường, bởi chúng ta không nhìn thấy vi rút hiện diện để tránh, mà để tránh được nó là phải thực hiện vệ sinh cá nhân sạch sẽ, trở thành một thói quen”, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, phó trưởng khoa Nhi BV Bạch Mai chia sẻ.

Do là bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa, chủ yếu do tiếp xúc trực tiếp với nước bọt, dịch tiết của mũi, họng, dịch của các bọng nước khi vỡ, thực phẩm, tay bẩn, dụng cụ… bị ô nhiễm phân người bệnh (vi-rút được đào thải qua phân và tồn tại trong nước, đất, rau) nhưng cũng có một số ít trường hợp được ghi nhận lây lan qua đường hô hấp. Vì vậy, để phòng bệnh, cả người lớn và trẻ (trẻ đã biết bò, biết nghịch đồ chơi) phải rửa tay bằng xà phòng trước và sau khi ăn, sau khi đi vệ sinh, rửa sạch các dụng cụ, vật dụng, đồ chơi của trẻ bằng chloramin B 5% (nước khử trùng) hoặc xà phòng, nếu là bình sữa, bát, đĩa thì có thể luộc trong nước 100oC để khử trùng; hạn chế tiếp xúc trực tiếp như hôn, sử dụng chung đồ dùng;ăn chín, uống chín, che miệng khi ho và hắt hơi.

“Khi thực hiện tốt được những hành vi vệ sinh trên, trở thành một thói quen thì đã giảm được rất nhiều nguy cơ lây nhiễm của bệnh. Việc con bạn có thể bị bệnh không phải là ở đâu (ở trường, ở nhà hay khu vui chơi) mà ở chính hành vi vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường của mỗi người”, TS Dũng nói.
Hồng Hải


Cơ hội tới với nền giáo dục hàng đầu thế giới

Hàng năm, chính phủ Mỹ chi hàng tỷ đô la cho đầu tư giáo dục. Với việc chiếm số lượng lớn trong các bảng xếp hạng giáo dục thế giới và hàng trăm ngàn sinh viên sinh viên quốc tế mỗi năm, Mỹ thực sự đang trở thành miền đất hứa của giáo dục thế giới.

Với phương pháp giáo dục tiên tiến, chương trình giảng dạy khoa học cùng đội ngũ giáo viên tâm huyết giàu kinh nghiệm và môi trường học tập năng động sáng tạo, nước Mỹ đang trở thành viên nam châm thu hút mạnh mẽ niềm đam mê học tập, nghiên cứu của du học sinh toàn cầu. Những tri thức và kỹ năng ưu việt mà nền giáo dục chất lượng cao của Mỹ cung cấp chính là nền tảng vững chắc giúp du học sinh vươn tới thành công trong tương lai. Điều này lý giải tại sao Mỹ đang sớm trở thành điểm đến hấp dẫn của du học sinh trên toàn thế giới.
Không nằm ngoài xu thế đó, số lượng học sinh - sinh viên Việt Nam tham gia học tập tại Mỹ không ngừng tăng lên qua các năm. Và theo như dự đoán của các chuyên gia, nhu cầu học tập và nghiên cứu tại Mỹ còn tăng lên hơn nữa trong thời gian tới. Vấn đề được đặt ra là làm thế nào để phụ huynh (và các học sinh) có thể lựa chọn cho con em mình (cho bản thân mình) một ngôi trường phù hợp trong hệ thống giáo dục đồ sộ nổi tiếng chất lượng mà đắt đỏ của Mỹ?

Nhận thức được sự quan tâm của các phụ huynh cũng như học sinh Việt Nam, Trường Đại học công số 1 ở miền Trung Tây Hoa Kỳ (US News and World Report xếp hạng 2011) - Truman State University - sắp có mặt tại Hà Nội nhằm cung cấp thêm thông tin về hệ thống giáo dục Mỹ nói chung và trường Truman nói riêng. Buổi họp mặt sẽ diễn ra vào ngày thứ Ba 27 tháng 9 từ 18:30-20:00 tại tầng 1 Mecure Hà Nội la Gare Hotel, 94 Lý Thường Kiệt.
Tới với buổi gặp mặt, các học sinh - sinh viên cũng như phụ huynh sẽ có cơ hội đối thoại trực tiếp với Đại diện tuyển sinh của trường đại học Truman để hiểu rõ hơn về điều kiện nhập học, chương trình đào tạo, môi trường học tập, và các suất học bổng của trường. Dựa trên những lời khuyên của đội ngũ chuyên viên, đặc biệt là sự tham gia của cô Rachel Davis - điều phối viên tuyển sinh quốc tế của trường - sẽ giúp các học sinh - sinh viên tự đưa ra sự lựa chọn tốt nhất cho ước mơ du học Mỹ của mình.

Để biết thêm thông tin và đăng ký tham dự buổi họp mặt, vui lòng liên hệ:
Mrs. Trần Thị Minh Hoa
Điện thoại: 091.44.00.55.9
Tìm hiểu thêm thông tin về trường cũng như nắm bắt nhưng thông tin về giáo dục Mỹ, hãy truy cập: www.truman.edu

Dài cổ chờ miễn, giảm học phí

Theo quy định mới, sinh viên thuộc diện miễn giảm học phí phải đóng học phí cho trường, sau đó địa phương sẽ chi trả cha mẹ sinh viên. Tuy nhiên đến nay rất nhiều địa phương vẫn lúng túng, chưa triển khai thực hiện quy định này.

Học kỳ I năm học trước, sau khi được nhà trường xác nhận miễn, giảm học phí, Nguyễn Thị Hà, SV năm cuối Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn - ĐHQG TP.HCM, gửi ngay giấy xác nhận này về gia đình nộp cho địa phương để nhận lại tiền hỗ trợ miễn giảm học phí. Trong thời gian chờ đợi, gia đình phải chạy vạy khắp nơi vay tiền đóng học phí cho em gái của Hà đang học Trường ĐH Luật TP.HCM.

Vay nóng đóng học phí

Đến tháng 1-2011, mẹ Hà sau khi nhận được biên lai đóng học phí của hai con gửi về liền vội vã đến Phòng LĐ-TB&XH huyện Yên Thành (Nghệ An) xin nhận lại khoản tiền học phí học kỳ I (năm học 2010-2011) hơn 3 triệu đồng. Nhưng cán bộ ở đây nói “cứ nộp hồ sơ vào để thống kê trình cấp trên xét duyệt”. Bà Liễu, mẹ Hà, rối bời: “Tôi nhiều lần đến xã, Phòng LĐ-TB&XH huyện để hỏi việc này nhưng đến nay vẫn chưa có tiền. Để có tiền cho con đóng học phí tôi phải đi vay nóng...”.

Một trường hợp khác là gia đình ông Phan Văn Quảng, nhà ở huyện Bố Trạch (Quảng Bình). Ngày 15-9, ông trở lại Phòng LĐ-TB&XH huyện sau nhiều lần nộp đơn, hồ sơ để xin nhận lại khoản tiền học phí năm học qua hơn 5 triệu đồng mà ông phải vay mượn để cho con gái đang là SV Trường ĐH Khoa học - ĐH Huế đóng học phí trước đó. Nhưng cán bộ ở đây thông báo “chưa biết bao giờ mới có tiền”. Ông Quảng bức xúc: “Mấy năm trước SV diện chính sách được miễn, giảm học phí ngay tại trường rất thuận lợi, nhưng với quy định mới hiện nay mọi việc trở nên phức tạp, rối tung... Vì quy định mới này, giờ tôi lâm cảnh nợ nần”.

Trong khi đó, ông Hồ Văn Kiên (xã Đa Phước, huyện An Phú, An Giang) nhiều lần liên hệ Phòng LĐ-TB&XH huyện cũng nghe cán bộ bảo không có chính sách miễn giảm học phí như ông nói... “Trong khi con tôi gửi những thông tin Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM hướng dẫn rất rõ về nghị định này, nhưng cán bộ cứ nói chính sách chưa được áp dụng và phải chờ xem xét lại. Năm nay tôi phải đi vay mới đủ tiền cho con đóng học phí...” - ông Kiên bức xúc.

Sinh viên nộp học phí. Ảnh: minh họa - Internet
Sinh viên nộp học phí. Ảnh: minh họa - Internet

Chờ đến bao giờ?

Trương Thị Hường, SV năm 4 Trường ĐH Nông lâm TP.HCM, cho biết: “Hai năm học đầu tôi được miễn học phí. Theo quy định mới, từ năm học trước tôi phải rất vất vả mới xoay xở đủ tiền đóng học phí. Sau đó tôi đã nộp biên lai về Phòng LĐ-TB&XH huyện Bù Đăng (Bình Phước) nhưng đến nay vẫn chưa nhận được tiền hoàn trả học phí”. Hường bức xúc: “Tại sao phải bắt SV nghèo đóng học phí trong khi trước đây được miễn, rồi lại chờ đợi mỏi mòn vẫn chưa nhận lại tiền này theo quy định?”.

Nhiều SV thuộc diện miễn giảm học phí ở huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang cũng cho biết họ nhiều lần liên hệ Phòng LĐ-TB&XH huyện về việc hỗ trợ học phí nhưng đều không được giải quyết. SV Nguyễn Lộc đang học tại TP.HCM thắc mắc: “Tôi nộp đủ hồ sơ từ học kỳ I năm học 2010-2011 cho Phòng LĐ-TB&XH huyện. Mỗi lần đến cán bộ ở đây bảo cứ về, khi nào có tiền sẽ giải quyết nhưng đến nay vẫn không thấy gì”.

Lê Phúc Thịnh - SV năm 4 Trường ĐH Bách khoa ĐHQG TP.HCM (nhà ở Q.1, TP.HCM) - cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự: “Gia đình tôi liên hệ với Phòng

LĐ-TB&XH Q.1 nhiều lần nhưng chưa được giải quyết. Người ta nói chưa có tiền cứ ở nhà chờ, khi nào có sẽ gọi. Năm học trước tôi nộp hơn 5 triệu đồng học phí. Thời hạn nộp học phí lại sắp đến, nếu không được hoàn trả khoản tiền học phí năm trước tôi không biết tính sao”.

Nhiều SV các tỉnh Đắk Nông, Đắk Lắk, Gia Lai... đang theo học tại các trường ĐH tại TP.HCM diện chính sách được miễn giảm học phí trước đây, giờ đang đứng trước nguy cơ bị nhà trường đình chỉ học do không có tiền nộp học phí.

Riêng tại TP.HCM, theo ông Lê Chu Giang - trưởng phòng bảo trợ xã hội Sở LĐ-TB&XH TP.HCM, ngày 21-7 liên sở GD-ĐT, Tài chính, LĐ-TB&XH đã có văn bản hướng dẫn liên tịch về việc thực hiện miễn giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập cho HSSV... “Những vướng mắc về ngân sách đến nay đã được giải quyết. Sở Tài chính đã bố trí đủ kinh phí để chi trả học phí cho SVHS. Trường hợp SV chưa nhận tiền hỗ trợ miễn, giảm học phí theo thời hạn quy định thì được truy lĩnh trong kỳ chi trả tiếp theo” - ông Giang cho biết.

Thông tư 29/2010 (của liên bộ GD-ĐT, Tài chính, LĐ-TB&XH) hướng dẫn thực hiện một số điều của nghị định 49/2010/NĐ-CP quy định về miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập và cơ chế thu, sử dụng học phí đối với cơ sở giáo dục từ năm học 2010-2011 đến 2014-2015 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-1-2011.

Theo thông tư này, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục ĐH công lập có trách nhiệm xác nhận cho SVHS thuộc đối tượng miễn, giảm học phí vào đơn đề nghị cấp tiền miễn, giảm học phí trong vòng 30 ngày sau khi kết thúc học kỳ đối với SVHS đang học (đối với SVHS mới nhập học thì thực hiện xác nhận trong vòng bảy ngày kể từ khi nhập học) để SVHS nộp về phòng LĐ-TB&XH cấp huyện làm căn cứ chi trả tiền hỗ trợ miễn, giảm học phí.

Phòng LĐ-TB&XH chịu trách nhiệm quản lý, tổ chức thực hiện chi trả cấp bù học phí trực tiếp bằng tiền mặt cho cha mẹ SVHS có con đang học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục ĐH công lập. Chậm nhất trong vòng 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ đề nghị cấp bù học phí miễn, giảm theo quy định, phòng LĐ-TB&XH có trách nhiệm thanh toán, chi trả tiền cấp bù học phí miễn, giảm cho gia đình người học theo quy định.

Theo Tuổi Trẻ