Thứ Hai, 26 tháng 9, 2011

Kết luận cuối vụ ‘thầy giáo ăn tiền sinh viên’


Sau khi xem xét và tiến hành xác minh nội dung đơn tố cáo của sinh viên và phụ huynh sinh viên đối với PGS.TS Nguyễn Bá Diến về việc nhận tiền hối lộ, Khoa luật (ĐHQG HN) đã bác bỏ những thông tin "vu khống" vì không đủ cơ sở kết luận.

Trên cơ sở báo cáo của hai tổ xác minh, Hội đồng xem xét kỷ luật do GS.TS Phạm Hồng Thái (chủ nhiệm khoa) làm Chủ tịch hội đồng cùng đại diện của các bộ phận tổ chức cán bộ trong khoa đã có bản báo cáo kết luận số 536/KL, bác bỏ những nội dung do những sinh viên “nhằm vu khống, hạ bệ danh dụ với PGS.TS Nguyễn Bá Diễn”.

PGS.TS Nguyễn Bá Diễn.
Theo đó Bản báo cáo kết luận, việc PGS Nguyễn Bá Diễn nhận tiền “đi thầy” của sinh viên các lớp k53 và các khoa khác trong khi hỏi thi các môn thuộc bộ môn Luật Quốc tế quản lý là không có cơ sở.

Và việc thầy Diến phân công con trai là cử nhân Nguyễn Hùng Cường giảng dậy ở một số lớp đại học chính quy là hoàn toàn đúng vì từ trước đến nay, chưa có văn bản nào quy định cụ thể cử nhân không được tham gia giảng dạy – báo cáo trên nhận định.

Sau khi Hội đồng tiến hành bỏ phiếu kín xem xét xử lý kỷ luật với PGS Diễn về việc sai phạm quy chế trong khi hỏi thi các môn thuộc Bộ môn luật Quốc tế quản lý, kết quả 05/05 phiếu đồng thuận đánh giá chưa đến mức kỷ luật.

Sa Hà

Đang tìm phương án di dời học sinh của trường Thăng Long

Nhiều phụ huynh có con học tại Trường Tiểu học Thăng Long (Hoàn Kiếm, Hà Nội) bức xúc trước việc nhà trường định “dồn” hơn 400 học sinh vào học ở nhà dân để xây trường mới. Lãnh đạo Phòng GDĐT quận Hoàn Kiếm cho biết, đó chưa phải là phương án chính thức.

Phòng GDĐT quận Hoàn Kiếm cho biết, Trường Tiểu học Thăng Long đã được quyết định đầu tư xây dựng lại tổng thể theo các tiêu chí trường chuẩn quốc gia.

Trong buổi họp phụ huynh đầu năm học 2011-2012, nhà trường đã thông báo cụ thể kế hoạch xây dựng và lấy ý kiến góp ý của phụ huynh về việc chọn địa điểm học tạm trong thời gian trường được xây dựng. Theo phương án của nhà trường, khối lớp 1 và lớp 4 sẽ học tại Cung Thiếu nhi Hà Nội; khối lớp 5 học tại Trường THCS Nguyễn Du; còn khối lớp 2 và 3 học tại một ngôi nhà 6 tầng ở 319 phố Bạch Đằng. Trong đó, địa điểm học của khối 2 và 3 không được phụ huynh nhất trí vì ngôi nhà không có đủ các điều kiện cho việc dạy - học và bảo đảm an toàn cho học sinh.

Theo lãnh đạo Phòng GDĐT quận, đây mới là phương án dự kiến chứ chưa phải phương án chính thức. Lãnh đạo quận và nhà trường vẫn đang tích cực tìm địa điểm học tạm phù hợp. Phương án dự kiến của lãnh đạo Phòng GDĐT hiện nay là phân công các trường tiểu học Phúc Tân, THCS Lê Lợi và THCS Hoàn Kiếm hỗ trợ Trường Thăng Long trong thời gian nhà trường xây mới. Việc di dời học sinh cũng chưa thực hiện ngay, ít nhất cũng phải đến sau khi kết thúc học kỳ I năm học 2011-2012 mới tiến hành.

Trước đó, các phụ huynh của Trường Tiểu học Thăng Long đã rất bức xúc trước việc nhà trường định “dồn” 400 học sinh vào một ngôi nhà hình ống, diện tích mặt tiền chỉ 4m2 và không có sân chơi. Các phụ huynh cho biết, các phòng học chỉ có diện tích khoảng 27m2, mỗi tầng chỉ có 1 nhà vệ sinh, rất bí và không đảm bảo an toàn cho học sinh.

<>Đ.H

Giảm tải hay chỉ là điều chỉnh sách giáo khoa?

Đến thời điểm này, tài liệu hướng dẫn giảm tải đã được triển khai tại các Sở GDĐT trên cả nước. Nhận xét bước đầu của những người trực tiếp đứng lớp cho biết, giảm tải chưa thật sự có ý nghĩa, đặc biệt ở khối THCS và THPT.

Chỉ giảm được 1,5 tiết

Nhiều giáo viên cho biết, tài liệu hướng dẫn giảm tải hiện nay mới chỉ lược bớt nội dung một cách cơ học.

Theo hướng dẫn giảm tải của Bộ GDĐT, lượng kiến thức giảm nhiều nhất là ở khối 12 với tỷ lệ giảm 11% ở học kỳ I và 12,5% ở học kỳ II. Thế nhưng, nếu xét riêng lẻ từng môn sẽ thấy, tỷ lệ giảm này là không đáng kể. Như bài “Nhân vật giao tiếp” (sách Ngữ văn lớp 12 tập 2) trước đây được giáo viên dạy trong 2 tiết, nay chuyển sang hình thức dạy “Tự học có hướng dẫn” với thời lượng khoảng nửa tiết. Như vậy, môn ngữ văn 12 với thời lượng cũ là 105 tiết cả năm, nay được giảm tải 1,5 tiết.

Cũng như vậy, thời lượng của môn ngữ văn lớp 11 là 123 tiết/cả năm học thì nay được giảm tải 3 bài, có bài chỉ được điều chỉnh phần chú thích.

Đối với môn toán, GS Văn Như Cương cho biết, tài liệu giảm tải chỉ áp dụng với chương trình chuẩn nhưng lại bỏ qua chương trình nâng cao, trong khi số tiết của chương trình nâng cao nhiều và nặng hơn chương trình chuẩn. Mặc dù đã có giảm tải nhưng vẫn còn nhiều bài, thậm chí cả mảng kiến thức không cần thiết, quá khó đối với học sinh phổ thông nhưng không được cắt giảm như số phức, phép biến hình…

Chưa hợp lý

Nhiều giáo viên trực tiếp thực hiện tài liệu giảm tải cho biết, tài liệu chưa hợp lý. Bài cần giảm thì không được cắt, trong khi những bài cần thiết, mang nội dung cơ bản thì lại bị yêu cầu cắt bỏ.

Ví dụ như đối với chương trình ngữ văn ở THCS, nhiều giáo viên cho biết, phần nghị luận về hiện tượng xã hội và nghị luận về tư tưởng xã hội quá khó, trừu tượng với học sinh lứa tuổi này, cần được cắt bỏ thì không được tinh giảm. Bộ GDĐT lại yêu cầu tinh giảm cách làm văn nghị luận, văn chứng minh của lớp 6, 7, chỉ yêu cầu học sinh biết khái niệm sơ lược. Trong khi đó, đến lớp 8, các em lại phải học văn chứng minh, giải thích. Cô L.A, giáo viên Trường THCS Đống Đa cho biết, đây là điều không hợp lý. Nếu học sinh chỉ biết một cách sơ lược về khái niệm văn nghị luận, chứng minh mà không được thực hành thì sẽ không thể làm được bài, không nắm được kỹ năng viết văn chứng minh, giải thích. Như vậy đến lớp 8, các em sẽ phải học lại kỹ năng này. Chính vì thế, nhiều giáo viên rất lúng túng không hiểu phải tinh giảm thế nào để các em vẫn có được nền kiến thức cơ bản cho các lớp học kế tiếp.

Tương tự như vậy, ở môn Sinh học lớp 12, các giáo viên cho rằng, bài "Quy luật di truyền của Mendel" là bài học quá khó nhưng lại không được cắt giảm, trong khi bài "Thuyết tiến hóa của Lamac" là phần quan trọng giúp học sinh có căn cứ để so sánh với các học thuyết sau lại bị cắt bỏ.

Thầy Đ.C (giáo viên Lịch sử Trường THPT Lương Thế Vinh) cho biết, môn Lịch sử cũng được giảm tải ở mức độ vừa phải, thế nhưng lại không giảm hẳn từng bài mà lại cắt cúp từng phần trong một số bài khiến giáo viên khá lúng túng.

Ông Vũ Đình Chuẩn, Vụ trường Vụ THPT (Bộ GDĐT) cho biết, việc giảm tải là bỏ bớt nội dung chưa cần thiết, tạo điều kiện cho học sinh tiếp thu kiến thức thuận lợi hơn, đồng thời giáo viên có điều kiện đổi mới phương pháp dạy học, đánh giá học sinh. Thế nhưng, theo đánh giá của nhiều giáo viên, việc cắt giảm này còn nhỏ lẻ và vụn vặt, chỉ có thể gọi là “điều chỉnh SGK” chứ chưa thể gọi là “giảm tải”.

<>Nguyên Minh