Thứ Sáu, 23 tháng 9, 2011

Tạo mọi điều kiện tốt nhất để HS vùng lũ đến trường

Sáng nay 24/9, giám đốc Sở GD-ĐT An Giang và Đồng Tháp cho biết ngành giáo dục 2 tỉnh này đang tích cực triển khai mọi biện pháp để bảo vệ an toàn cho học sinh ở vùng lũ đến trường.

Hiện nay, lũ đầu nguồn sông Cửu Long về nhanh và mực nước dâng lên rất cao nên đã ảnh hưởng rất lớn đến việc đi lại của người dân, trong đó có việc đến trường của các em học sinh (HS).

An Giang: Vận động hỗ trợ áo phao cho HS

Trao đổi với phóng viên Dân trí sáng nay, ông Nguyễn Thanh Bình - giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh An Giang cho hay đến lúc này HS các trường vẫn đi học bình thường dù nước lũ đã lên cao.
Theo ông Bình, do lũ ở vùng ĐBSCL khác với lũ miền Trung, lũ đồng bằng thường kéo dài đến 2 tháng vì thế việc cho HS nghỉ học trong khoảng thời gian này sẽ rất khó. Ông Bình nhận định, qua khảo sát hiện chỉ có các tuyến đường đi ở vùng lũ huyện An Phú, Tân Châu ngập chứ các trường vẫn còn khô ráo nên không gây ảnh hưởng lớn đến việc giảng dạy.
Học sinh vùng lũ được đưa rước bằng xuồng để bảo đảm an toàn trong mùa lũ. (Ảnh CTV)
Song, do lũ đang lên nhanh nên ngành đã phối hợp với các địa phương chuẩn bị mọi điều kiện tốt nhất cho các em đến trường an toàn. Trong đó, các cấp chính quyền đã tổ chức phát áo phao, cặp phao cho HS ở tất cả các cấp học. Tuy nhiên, do số lượng HS ở vùng lũ khá đông, khoảng trên 1.500 em nên hiện tại chưa đủ đồ dùng để phát hết cho các em. Những em chưa có thì tạm thời cho mang can nhựa theo. Chính vì thế, ngành đang vận động thêm từ các tổ chức, cá nhân hỗ trợ áo phao để giúp các em đến trường an toàn.

Ngoài ra, ngành cũng đề nghị địa phương vận động phụ huynh không cho các em tự bơi xuồng cũng như lội bộ đến trường mà phải có người lớn đưa rước, canh chừng. “Thời gian tới, nếu mực nước lũ lên nhanh và ngày càng mạnh hơn thì ngành sẽ xem xét cho các em nghỉ học một khoảng thời gian để đảm bảo an toàn cho các em” - ông Bình nhấn mạnh.

Cũng theo giám đốc Sở GD-ĐT An Giang, những lớp học 2 buổi thì đề nghị phụ huynh sáng mang cơm theo để các em ăn tại trường và học tiếp buổi chiều, sau đó mới về nhà. Ông Bình cho biết, ở An Giang đến lúc này vẫn chưa có trường hợp nào đáng tiếc xảy ra do mưa lũ liên quan đến HS.

Đồng Tháp: Một số trường đã cho HS nghỉ học

Trong khi đó, tại Đồng Tháp, theo giám đốc Sở GD-ĐT Hồ Văn Thống, cho biết trong cuộc họp mới đây, lãnh đạo UBND tỉnh đã có chỉ đạo khẩn là trường học nào ngập, tuyến đường nào nước chảy mạnh thì phải cho HS nghỉ học.

Trao đổi với phóng viên Dân trí sáng nay, ông Thống cho hay, theo sự chỉ đạo của tỉnh thì ngành đã cho HS ở một số trường vùng lũ thuộc thị xã Hồng Ngự, huyện Hồng Ngự, huyện Tân Hồng nghỉ học. "Việc cho nghỉ học nhằm đảm bảo an toàn tính mạng các em và tài sản của các trường. Khi nào học lại, ngành sẽ có thông báo kịp thời căn cứ vào tình hình mưa lũ ở mỗi địa phương" - ông Thống nói.
Nhiều phụ huynh đưa trẻ nhỏ đến các nhà trẻ để an tâm hơn khi đi mưu sinh trong mùa lũ. (Ảnh: CTV)
Cũng theo ông Thống, những trường nào chưa ngập thì vẫn cho HS đi học bình thường. Sở cũng đề nghị địa phương tổ chức phương tiện đưa rước các em một cách toàn. Bên cạnh đó, những trường mẫu giáo thì Sở có chỉ đạo lãnh đạo các trường đưa các em ra học ở các lớp bán trú nông thôn, mẫu giáo cộng đồng, ở các điểm giữ trẻ.

Khẳng định với phóng viên Dân trí, lãnh đạo ngành giáo dục 2 tỉnh An Giang và Đồng Tháp đều cho biết, mùa lũ ở vùng ĐBSCL diễn ra hàng năm và mỗi năm đều có mức độ ảnh hưởng khác nhau. Song, ngành giáo dục luôn luôn chuẩn bị để chăm lo cho các em HS được an toàn và kịp thời tiếp nhận kiến thức cùng với các vùng miền khác.

Huỳnh Hải

Dạy đạo đức hay... phản đạo đức?

Dư luận đang xôn xao trước một tài liệu môn đạo đức đang được giảng dạy tại một trường THPT của Hải Phòng. Vấn đề đặt ra ở đây là các em sẽ học được gì từ những câu văn ngây ngô và những giải thích có phần sai lệch như vậy?

Dạy học sinh hành động mất văn hóa

Chị L., một phụ huynh có con đang học lớp 10 Trường THPT Đồng Hòa (Kiến An, Hải Phòng) bức xúc cho biết: “Con gái đang cắm cúi chép bài đạo đức bỗng nhiên gọi mẹ để hỏi và đưa cuốn sách được trường bán và giảng dạy tại trường. Tôi cầm quyển sách và đọc. Đọc hết cuốn sách, tôi thật sự sốc vì nội dung của nó. Cuốn sách gồm 16 bài giảng đạo đức, mỗi bài được dạy trong một tuần và các cháu phải chép bài thu hoạch để thầy cô chấm điểm. Bố cục của mỗi bài lộn xộn, cách hành văn và ngôn ngữ thiếu chuẩn mực, sai kiến thức cơ bản. Tác giả không phân biệt được thành ngữ, tục ngữ, ca dao hay những câu châm ngôn, những câu nói đời thường. Tất cả đều quy về tục ngữ! Nhiều bài, tác giả còn trích dẫn những câu "Tục ngữ” để vận dụng chúng vào những tình huống đạo đức một cách lệch lạc”.

Có thể nhận thấy điều này rõ rệt qua từng trang của cuốn sách.

Bài đầu tiên, với tiêu đề "Cách cư xử lúc ra đường và ở nơi công cộng", tác giả viết: "Tục ngữ có câu: "Tiên học lễ, hậu học văn". Câu này cho thấy mỗi học sinh phải học lễ, học văn hóa. Các em phải có ý thức tự trọng, giữ gìn danh dự để người khác không thể chê trách được!”

Bài "Cách cư xử với anh chị em trong gia đình" có đoạn: "Nếu làm em thì phải biết kính trọng anh chị, phải biết giúp đỡ anh chị những việc trong nhà những việc vừa sức với mình như tục ngữ có câu: "Chị ngã em nâng"!

Bài "Trang phục khi ra đường" viết: "Khi ra đường ta phải ăn mặc kín đáo, giản dị theo truyền thống của nhân dân ta, không ăn mặc lố lăng, lòe loẹt, hở hang. Tục ngữ có câu: "Đói cho sạch, rách cho thơm", vì vậy quần áo phải được giặt sạch, là phẳng!"

Bài “Cách cư xử lúc ra đường và ở nơi công cộng”, tác giả còn khuyến khích các em có những hành động mất văn hóa như: “Khi đi xe trên đường muốn khạc nhổ thì phải lưu ý có người đang đi sau mình, đề phòng có gió thổi đờm hoặc nước rãi bay vào mặt người ta”.... (?)

Tác giả cuốn sách là cô Hiệu trưởng

Phụ huynh học sinh trên cho biết: “Tôi cứ băn khoăn mãi về nội dung dạy học cho học sinh THPT và trình độ của người viết cuốn "sách" này. Tôi điện hỏi cô chủ nhiệm thì cô bảo: "Nội dung này được giảng dạy ở trường đã 8 năm rồi, không có gì phải bàn luận. Đây là đề tài thạc sỹ và là tâm huyết cả đời dạy học của cô hiệu trưởng". Tôi nghĩ, nội dung giảng dạy tại trường THPT thì phải là SGK, tài liệu chính thức của Bộ GDĐT được qua kiểm duyệt nghiêm ngặt, sách ghi rõ nguồn gốc, xuất xứ, nội dung phù hợp tâm sinh lý lứa tuổi chứ đề tài thạc sỹ làm sao được giảng dạy! Nếu đây là đề tài thạc sỹ thì phải kiểm tra lại, bởi nội dung lệch lạc của nó. Vả lại, nếu muốn quảng bá đề tài, nhà trường sao lại in để bán cho học sinh với giá 20.000đ/cuốn như vậy?”

Lãnh đạo Trường THPT Đồng Hòa cho biết, người biên soạn cuốn sách này là bà Đỗ Thị Lai, Hiệu trưởng nhà trường. Tuy nhiên, lãnh đạo nhà trường lý giải, cuốn sách không dùng để giảng bài mà chỉ để học sinh tham khảo trong tiết sinh hoạt ngày thứ bảy nhằm bổ trợ kĩ năng sống của học sinh và không bắt buộc học sinh phải mua. Thế nhưng nhà trường cũng không giải thích được vì sao các học sinh bắt buộc phải có bài thu hoạch hàng tuần sau mỗi buổi học đạo đức bằng sách này để nộp cho giáo viên. Một học sinh khối 11 của trường cho biết, tuần nào em cũng phải làm bài thu hoạch và bài thu hoạch này được chấm điểm chứ không chỉ là một dạng bài tham khảo.

<>Nguyên Minh

Vẫn loạn tuyển sinh và đào tạo

Việc các công ty liên kết với trường ĐH đào tạo theo địa chỉ sử dụng (ĐTTĐCSD) thực chất chỉ là để trục lợi chứ các doanh nghiệp thực tế không có nhu cầu sử dụng...

Thế nhưng, hiện nhiều trường ĐH vẫn tiếp tục đào tạo cho các công ty và còn được “hợp thức hóa” bằng những văn bản của các cơ quan quản lý.

Danh sách thí sinh đầy nghi vấn

Công ty cổ phần đầu tư và phát triển GD-ĐT Thanh Hóa đã liên kết với nhiều trường ĐH để ĐTTĐCSD. Trong đó những ngành nghề đề nghị đào tạo hầu hết không liên quan gì đến lĩnh vực kinh doanh của công ty. Thế nhưng hiện một số trường ĐH lớn tại Hà Nội vẫn tiếp tục đào tạo cho công ty trong đó có Học viện Tài chính, trường ĐH Mỏ - Địa chất... Hiện công ty đã có danh sách TS đề nghị xét tuyển ĐTTĐCSD gửi tới các trường. Tuy nhiên danh sách này có không ít vấn đề đáng nghi vấn.

Sau khi tiến hành tra cứu lại điểm thi của từng TS thuộc danh sách do công ty này tuyển sinh gửi cho Học viện Tài chính, chúng tôi phát hiện nhiều thông tin không xác thực. Ví dụ: một TS trong danh sách là Nguyễn Phương Thảo, sinh ngày 10.5.1993, dự thi khối A vào Học viện Ngân hàng, số báo danh (SBD) 4891, có tổng điểm là 17. Khi tra cứu bằng tên có 14 TS tên Nguyễn Phương Thảo cùng thi vào Học viện Ngân hàng nhưng không có TS nào có các thông tin giống với TS nói trên. Tra cứu bằng SBD thì kết quả lại là một TS khác tên, điểm thi, ngày tháng năm sinh…

TS Lê Thùy Dương sinh ngày 18.12.1993, dự thi khối A vào ĐH Thương mại, SBD 3767, có tổng điểm 3 môn thi là 17,5. Tra cứu bằng tên thì cho kết quả là một TS trùng tên nhưng lại mang SBD khác (70740), ngày tháng năm sinh, khối thi và điểm thi cũng khác. Khi tra cứu bằng SBD thì ra một TS khác… Đáng lưu ý trong danh sách có 41 TS thì đến 8 TS có những thông tin đáng nghi vấn.

Chủ trương còn mập mờ

Theo văn bản hướng dẫn của Bộ GD-ĐT, việc đề nghị tuyển sinh theo địa chỉ sử dụng chỉ thuộc trách nhiệm của UBND các tỉnh thành phố. Cơ quan này cũng có nghĩa vụ lập danh sách TS đề nghị được tuyển sinh. Vì vậy, việc các công ty đề nghị với trường ĐH để đào tạo là sai quy định. Để hợp thức hóa việc đào tạo này, các công ty đã “liên kết” với UBND tỉnh để đơn vị này đứng ra làm công văn đề nghị. Theo tìm hiểu của PV, UBND tỉnh Thanh Hóa đã gửi công văn tới các trường mà Công ty cổ phần đầu tư và phát triển GD-ĐT Thanh Hóa liên kết để đề nghị đào tạo cho công ty. Như vậy, về bản chất thì việc đào tạo vẫn không có gì thay đổi, chỉ khác là UBND tỉnh là đơn vị làm công văn đề nghị thay cho công ty!

Điều đáng ngạc nhiên là một công ty cũng thành lập hội đồng xét tuyển và còn được UBND tỉnh chấp thuận như là chuyện đương nhiên. Công văn của UBND tỉnh Thanh Hóa gửi Học viện Tài chính ngày 14.9, có đoạn: “Căn cứ kết quả xét tuyển của Hội đồng xét tuyển Công ty cổ phần đầu tư phát triển GD-đT Thanh Hóa, UBND tỉnh Thanh Hóa lập danh sách học sinh ĐTTĐCSD năm 2011 tại Học viện Tài chính… Đề nghị học viện này xem xét, phê duyệt danh sách học sinh trúng tuyển đào tạo hệ chính quy theo địa chỉ năm 2011 cho công ty”.

Như vậy các trường ĐH lại tiếp tục “bắt tay” đào tạo cho công ty như đã thỏa thuận trước đó (tuyển những TS có mức điểm thấp do được ưu tiên và thu học phí cao). Trao đổi với PV, ông Lê Trọng Thắng - Trưởng phòng Đào tạo trường ĐH Mỏ - Địa chất, một trường cũng đào tạo cho công ty nói trên, cho biết: “Việc tuyển sinh và đào tạo cho công ty vẫn diễn ra bình thường vì tỉnh đã có công văn đề nghị. Nhà trường đã làm đúng theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT! Nếu tỉnh đề nghị sai thì tỉnh phải chịu trách nhiệm!?”.

Điều đáng nói là cho đến nay, Bộ GD-ĐT vẫn chưa làm rõ mục đích loại hình đào tạo này. Đào tạo cho ai và để làm gì? Tại sao phải ưu tiên tuyển sinh và đào tạo cho công ty, trong khi các doanh nghiệp nếu có nhu cầu sử dụng thì hoàn toàn có thể tuyển nhân lực trên thị trường lao động?... Có lẽ vì chủ trương còn mập mờ nên trường ĐH và các công ty vẫn công khai liên kết tuyển sinh, đào tạo, thu học phí cao từ người học mà vẫn không bị “thổi còi”!

<>Nộp tiền là... đậu!

Tại trụ sở Công ty CP thương mại đầu tư và phát triển quốc gia (thuê địa điểm tại trường THPT Hữu Nghị, đường Phan Chu Trinh, TP Vinh, Nghệ An), một nhân viên tên Lý giới thiệu chúng tôi vào học ĐH Vinh. Lý nói: “Muốn vào ĐH Vinh thì phải nộp cho công ty 15 triệu đồng. Cứ đưa phiếu báo điểm đến đây và chọn ngành là xong”. Đồng thời Lý còn giới thiệu các trường khác với mức giá như: “Học viện Bưu chính viễn thông 25 triệu đồng, Học viện Tài chính 27 triệu đồng, ĐH Kinh tế quốc dân hơn 30 triệu đồng…”.

Người này thông tin, năm nay, công ty liên kết với 30 trường, một số trường phải có quyết định đồng ý của UBND tỉnh Nghệ An, có trường thì không cần. Khi chúng tôi thắc mắc liệu ra trường có được công ty nhận vào làm không thì Lý nói: “Công ty em nhỏ tí nhận sao hết được, ra trường chủ yếu tự đi xin việc làm thôi”. Tại Công ty CP thương mại và đầu tư giáo dục VN (đường Nguyễn Viết Xuân, TP Vinh), chúng tôi cũng được tư vấn tương tự.

Qua tìm hiểu thực tế ở Nghệ An, các doanh nghiệp xin chỉ tiêu ĐTTĐCSD là những doanh nghiệp nhỏ lẻ, chỉ có vài nhân viên. Việc xin chỉ tiêu để đào tạo và sử dụng lao động chỉ là cái cớ, còn thực chất là để thu tiền “lệ phí đầu vào” của TS điểm thấp. Vì sau khi TS nhập học thì quan hệ giữa người học và doanh nghiệp cũng coi như chấm dứt. Thế nhưng ĐH Vinh đã nhận đào tạo hệ ĐTTĐCSD từ 3 năm nay.

PGS-TS Phạm Minh Hùng - Hiệu phó trường ĐH Vinh, thừa nhận học phí đào tạo của hệ này là huy động ở người học nên cao hơn những TS khác từ 1,5-2 lần, dù được xếp học chung lớp. Tuy nhiên, ông Hùng cho biết: “ĐH Vinh không có chủ trương và không hề biết việc các đơn vị gửi đào tạo thu tiền phí (15 triệu đồng) của TS?!”.

Tình trạng liên kết để ĐTTĐCSD cũng rất tréo ngoe. Có trường từ đồng bằng sông Cửu Long nhưng lại liên kết đào tạo nhân lực cho Hà Nội. Ví dụ: ĐH Trà Vinh (thuộc tỉnh Trà Vinh) nhưng lại thông báo xét tuyển ĐTTĐCSD cho Công ty viễn thông và công nghệ miền Bắc, hoặc với trường Trung cấp Công thương Hà Nội. Tại nơi nhận hồ sơ tuyển sinh ĐTTĐCSD của ĐH Trà Vinh (thuê tại Trung tâm đào tạo vận động viên cao cấp Hà Nội, đường Lê Đức Thọ, Mỹ Đình, Từ Liêm), một người phụ nữ tự xưng là cán bộ tuyển sinh cho biết TS trúng tuyển vào trường sẽ học ngay tại Trung tâm đào tạo vận động viên cao cấp Hà Nội.

Sau khi tốt nghiệp sẽ được cấp bằng chính quy của ĐH Trà Vinh nhưng không phải cứ xét tuyển hệ này là được vào làm ở công ty! Ông Liêu Thanh Tâm - Phó phòng Đào tạo của trường ĐH Trà Vinh, cho biết: “Đây là hệ đào tạo do Trung tâm hợp tác đào tạo của trường thực hiện!”. Tuy nhiên, ông Tâm đã từ chối xác nhận các thông tin nêu trên với lý do: “Phòng đào tạo không được trường giao quản lý hệ đào tạo này”!

Theo Thanh Niên