Thứ Năm, 29 tháng 9, 2011

Hàng trăm nghìn học sinh nghỉ học vì bão

Hôm nay, hàng trăm nghìn học sinh các tỉnh từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa đã phải nghỉ học tránh bão. Tại Hà Nội, nhiều gia đình cũng có kế hoạch đón con về sớm.

Giám đốc Sở GD&ĐT Hải Phòng Đỗ Thế Hùng cho biết, từ chiều qua, Sở đã chỉ đạo các phòng giáo dục cho toàn bộ học sinh nghỉ học ngày 30/9. Ngày mai, tùy tình hình mưa bão, Sở sẽ quyết định có tiếp tục cho học sinh nghỉ học hay không.

Cũng là tỉnh được dự báo chịu ảnh hưởng của bão Nesat, ông Trần Quang Ánh, Phó giám đốc thường trực Sở Giáo dục tỉnh Ninh Bình cho biết, đã giao quyền tự quyết cho các trường, tùy tình hình cụ thể mà cho học sinh nghỉ học.

"Chúng tôi không cho các em nghỉ đồng loạt. Những nơi nào thấy cần thiết phải nghỉ để đảm bảo an toàn cho học sinh, hoặc để các em hỗ trợ gia đình thu hoạch lúa thì báo cáo", ông Ánh nói.

Một tàu đánh cá của ngư dân huyện Cô Tô bị bão số 5 đánh đắm. Ảnh: Báo Quảng Ninh.

Sở GD&ĐT Ninh Bình cũng có công điện khẩn gửi các trường nhắc nhở trước khi mưa bão, giáo viên cần neo buộc nhà cửa, bảo vệ tài sản, cơ sở vật chất, trang thiết bị của cơ quan, nhà trường. Mỗi đơn vị tổ chức đội xung kích 15-20 người (là cán bộ, giáo viên đối với trường tiểu học, THCS; có thể cả học sinh lớn đối với trường THPT) ứng cứu kịp thời khi cần thiết.

Sở cũng nhấn mạnh, từng cơ sở giáo dục chủ động chuẩn bị các điều kiện, phương tiện phòng chống lụt bão như: thuyền, xẻng, cuốc, cây bắc sàn, cây chống, dự trữ nước ăn, lương thực, củi cho những người trực trong những ngày lũ lụt. Trường có nhà cao tầng thì chuyển đồ lên tầng trên, với trường cấp 4 phải bố trí làm sàn chống ngập.

Ông Ánh cho hay, đối với các trường ở vùng xả tràn như Nho Quan, vùng hay ngập lụt như Gia Viễn, Yên Mô, Kim Sơn, Sở đã yêu cầu Phòng Giáo dục có kế hoạch cụ thể về học bù chương trình khi học sinh phải nghỉ học do lũ lụt.

Tại Thanh Hóa, học sinh THPT (trừ TP Thanh Hóa) được nghỉ học 2 ngày (29-30/9) để giúp gia đình thu hoạch lúa mùa.

Hà Nội chưa có chủ trương cho học sinh nghỉ vì chưa chịu ảnh hưởng nhiều từ bão. Chánh văn phòng Nguyễn Hiệp Thống cho biết sẽ có chỉ đạo khi bão vào gây mưa to, gió lớn. Tuy nhiên, trước tình hình mưa, gió mạnh sáng nay, nhiều phụ huynh đã lên kế hoạch đón con về sớm.

Có con đang học trường tiểu học Đoàn Thị Điểm (Hà Nội), sáng nay chị Hoa liên tiếp nhận được các cuộc gọi của ông bà thục giục đón cháu về sớm để tránh bão. "Nếu trưa nay, Hà Nội tiếp tục gió lớn, mưa, tôi sẽ đến trường xin phép cô cho con nghỉ học vì nhà khá xa", chị Hoa nói.

Hôm qua, Bộ GD&ĐT đã có công điện gửi các Sở, trường đại học, cao đẳng thuộc các tỉnh Bắc Bộ và từ Thanh Hoá đến Hà Tĩnh chỉ đạo chuẩn bị đối phó với bão Nesat. Ngoài những công việc cần làm để bảo vệ cơ sở vật chất, Bộ cũng nhấn mạnh cần đảm bảo an toàn cho học sinh. Vùng có nhiều sông suối, địa bàn phức tạp có nguy cơ lũ và sạt lở đất cao cần cho học sinh nghỉ học. Tất cả hoạt động ngoại khóa trong thời gian này phải dừng lại.

<>Hoàng Thùy

GS Mỹ: VN cần tạo thế chân kiềng để đánh thức nhân lực, nhân tài

“Tôi không phải là chuyên gia về Việt Nam nhưng tôi biết đất nước các bạn có những bước tiến dài, nhất là kinh tế. Tuy nhiên, để khẳng định mình thì các bạn cần phải cơ cấu lại nhân sự có thế chân kiềng: Nhà nước - doanh nghiệp - giáo dục.

Đó là lời khẳng định của giáo sư Dave Ulrich (Đại học Michigan, Mỹ) tại hội thảo “Tư duy lại nhân lực và nhân tài” (Rethinking HR & Talent). Hội thảo do trường Doanh nhân PACE tổ chức ngày 29/9 tại TPHCM, thu hút hơn 500 nhà lãnh đạo, doanh nhân, học giả, nhà nghiên cứu… trong và ngoài nước tham dự.

Giáo sư Dave Ulrich đang chia sẻ kinh nghiệm quản lý nhân lực tại hội thảo.

GS Dave Ulrich mở đầu bài thuyết trình của mình bằng việc phác họa những thực tiễn cạnh tranh mới đang diễn ra trên khắp toàn cầu. Theo ông, Việt Nam với vị trí là một trong số 11 quốc gia mới nổi kế tiếp (theo sau các nước thuộc khối BRIC gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc…), hơn bao giờ hết cần phải đặt ra câu hỏi “Lợi thế cạnh tranh của quốc gia sẽ đến từ những nguồn nào?” để có thể hoạch định một chiến lược phát triển hiệu quả cho mình.

Ông cũng cho rằng trong bối cảnh này, có thể thấy rằng vấn đề nhân lực và nhân tài chính là một nguồn “tài nguyên” quan trọng góp phần tạo ra lợi thế cạnh tranh bền vững cho quốc gia và doanh nghiệp bên cạnh các lợi thế khác vẫn thường được nhắc đến như chiến lược, tài chính, công nghệ…

Theo GS Dave Ulrich, đây không phải là một câu chuyện quá mới mẻ với quốc gia cũng như doanh nghiệp. Tuy nhiên, để có thể “đánh thức” được nguồn tài nguyên vô cùng to lớn ấy, cần phải “định nghĩa lại” nhân lực và nhân tài.

Ai sẽ được gọi là “nhân tài”? Làm thế nào để xác định đúng và khơi dậy được nguồn tài nguyên ấy? Đầu tư cho nhân tài là cần thiết, nhưng làm thể nào để đầu tư đúng và đo lường được hiệu quả của việc đầu tư cho yếu tố vô hình này?
GS Dave Ulrich nhấn mạnh, để đánh thức được nhân tài, nhân lực, Việt Nam cần có sự phối hợp theo thế chân kiềng giữa Nhà nước - doanh nghiệp - giáo dục; xúc tiến các tổ chức, chương trình nghị sự quốc gia về nhân lực…

Trong suốt bài trình bày của mình, GS Dave Ulrich đã lần lượt đưa ra những góc nhìn của mình cho những câu hỏi này, những câu hỏi mà ông cho rằng cần được đặt ra và trả lời thấu đáo để câu chuyện nhân tài không chỉ dừng lại ở những khẩu hiệu như “hiền tài là nguyên khí quốc gia” hay “nhân tài là tài sản quý giá nhất của tổ chức”…

Một quan điểm mới mẻ mà ông đưa ra trong hội thảo, đó là đã đến lúc các tổ chức, các doanh nghiệp cũng cần “định nghĩa lại” vai trò của mình nếu muốn cạnh tranh hiệu quả bằng nguồn lực nhân tài. Cụ thể là, nhân tài chỉ có thể phát triển được và đóng góp được cho tổ chức và xã hội khi và chỉ khi họ được “sống” trong một môi trường mà ở đó, họ tìm thấy được lẽ sống và ý nghĩa của cuộc đời, của công việc mình làm.
“Tài năng là nguồn lực giúp chúng ta tạo ra những đặc thù thú vị. Trong bóng đá, dù có vua phá lưới nhưng chưa chắc đội đó đã vô địch. Chỉ 20% đội có vua phá lưới thì vô địch. Vì thế bên cạnh tạo ra tài năng, cần phải xây dựng một nguồn nhân lực tốt, có kỹ năng làm việc theo nhóm và một văn hóa doanh nghiệp để nhân tài và nhân lực cống hiến”, GS Dave Ulrich nói.
Đông đảo doanh nhân Việt Nam tham dự hội thảo và đặt câu hỏi với giáo sư Dave Ulrich.

Một tổ chức có khả năng làm được điều trên, theo ngôn từ của GS Dave Ulrich , được gọi là “Tổ chức viên mãn”.Ông cũng đưa ra mô hình gồm các câu hỏi thiết yếu giúp các nhà lãnh đạo xây dựng tổ chức của mình thành “tổ chức viên mãn”.

GS Dave Ulrich đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò của nhà lãnh đạo trong chiến lược “đánh thức” nguồn tài nguyên nhân lực và nhân tài. Theo ông, tổ chức cần nhiều “năng lực lãnh đạo” hơn là “vị trí lãnh đạo”. Nhà lãnh đạo chỉ có thể tạo được “thương hiệu lãnh đạo” cho mình từ khả năng biến những mong mỏi, kỳ vọng của xã hội thành những hoạt động cụ thể trong chính tổ chức của mình.

Trả lời câu hỏi của một doanh nhân về vấn đề Việt Nam có lợi thế nào so với Trung Quốc, ông Dave Ulrich cho biết: “Đừng nghĩ nước nhỏ là yếu. Nhỏ mà lanh lợi thì thành công. Việt Nam nên học mô hình của Singapore. Đảo quốc nhỏ này không có tài nguyên nhưng có sự kết hợp chân kiềng. Doanh nhân Singapore luôn học hỏi và cầu tiến. Thế hệ lãnh đạo trước luôn giúp thế hệ lãnh đạo sau. Năng lực lãnh đạo giúp họ thành công”.

Diễn giả Dave Ulrich hiện là giáo sư của Đại học Michigan (Mỹ), người được coi là “bậc thầy” thế giới về lĩnh vực nhân sự, một trong những “bộ óc” quản trị có ảnh hưởng nhất thế giới. Năm 2010, ông đã được trao tặng giải Nobel Colloquia dành cho những tên tuổi dẫn dắt nền tưởng kinh tế và và kinh doanh.

Những tư tưởng, lý thuyết được “khai sinh” bởi GS Dave Ulrich và các cộng sự của ông như “Mô hình 4 vai trò của Nhân sự” (“HR’s 4 Roles Model”); “Thương hiệu lãnh đạo” (Leadership Brand) hay “Lý thuyết nhân tài 3C”... được xem là đã góp phần tạo nên những chuyển đổi quan trọng của nền quản trị và ngành nhân sự thế giới cũng như có ảnh hưởng sâu sắc đến nhiều nhà lãnh đạo.

Công Quang


Gần 50 phường "trắng" trường công lập

Ngày 28.9, lần đầu tiên TP.Hà Nội tổ chức cuộc giao ban với đầy đủ lãnh đạo các quận, huyện để tìm biện pháp giải quyết tình trạng thiếu trường học.

Mặc dù không mấy dễ dàng nhưng Hà Nội đặt ra mục tiêu: đến năm 2015 khắc phục triệt để tình trạng thiếu trường, thiếu lớp. Riêng trường mầm non, chậm nhất sau 3 năm phải khắc phục xong.

Nghịch lý dân ở trong trường, lớp ở trong dân

Đề cập đến nguyên nhân thiếu trường học, hầu hết lãnh đạo các quận, huyện nhận định do thiếu đất. Đại diện quận Đống Đa cho rằng, đến năm 2000, trên địa bàn không còn quỹ đất trống nào, chỉ còn đất do cơ quan quản lý. Hiện tại, khối mầm non 4 phường chưa có trường học; 4 phường chưa có trường tiểu học và 6 phường chưa có trường THCS.

 Trường công lập thủ đô đang quá tải.     Ảnh: KỲ ANH
Trường công lập thủ đô đang quá tải. Ảnh: KỲ ANH

Đề xuất giải pháp, ông Nguyễn Đức Học - Chủ tịch UBND quận Đống Đa - cho rằng, chỉ có cách thu hồi đất của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn có dự án nhưng không triển khai hiệu quả hoặc không có dự án triển khai để xây dựng trường học. Đó là khu đất của Cty CP nhựa y tế ở Lương Định Của, khu đất của Cty CP may CN ở đường Trường Chinh, Cty CP XNK mây - tre đan ở Thái Thịnh, khu đất của Viện Kinh tế chính trị thế giới ở Phương Liệt... Tuy nhiên, thay vì trả lại đất cho chính quyền quản lý, các doanh nghiệp lại muốn xây nhà để bán.

Tương tự, quận Hoàn Kiếm hiện có 5 phường chưa có trường tiểu học và 10 phường chưa có trường THCS. Ông Vũ Văn Viện - Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm - cho rằng, hiện các trường trên địa bàn quận xảy ra tình trạng “dân ở trong trường, lớp ở trong dân”. Ông Viện kiến nghị UBND TP thu hồi những địa điểm sử dụng sai mục đích, lấy mặt bằng xây dựng trường.

Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc - Phó Chủ tịch UBND TP - cho biết, Hà Nội hiện còn 6 phường chưa có trường mầm non công lập, 12 phường chưa có trường tiểu học công lập và 28 phường chưa có trường THCS công lập. Tại nhiều quận nội thành, số học sinh trong một lớp gấp hơn 2 lần so với quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Tình trạng thiếu trường ở những khu đô thị mới cũng xảy ra tương tự.


Đến năm 2015, không còn thiếu trường học

TP.Hà Nội đã đề ra 6 giải pháp, để đến năm 2015 thực hiện được mục tiêu mỗi xã, phường, thị trấn có ít nhất một trường mầm non, tiểu học, THCS công lập và cứ 5 vạn dân có 1 trường THPT. Giải pháp ưu tiên là, thu hồi diện tích đất tại những dự án “treo” và tại các cơ sở gây ô nhiễm môi trường phải di chuyển ra ngoại thành.

Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị cho rằng, việc thiếu trường, thiếu lớp là vấn đề cấp bách, quan trọng. Nguyên nhân, do tính toán xa thực tế, việc chỉ đạo thực hiện quy hoạch mạng lưới trên địa bàn chưa hợp lý, dẫn đến tình trạng nơi thừa cứ thừa, nơi thiếu cứ thiếu. Bí thư chỉ đạo, sau hội nghị này các sở, ban ngành, quận, huyện cần rà soát, xác định, tính toán cụ thể... Bí thư Thành uỷ nói: “Rõ ràng thiếu đất là do khách quan, nhưng tồn tại trên chủ yếu là do chủ quan. Chúng ta lơ là bỏ quên, hoặc quan tâm chưa đầy đủ cho quỹ đất xây dựng trường học”.

“Phải đặt ra mục tiêu kiên quyết, cái gì thiếu thì phải làm bổ sung ngay, biện pháp như thế nào các sở, ngành, quận, huyện phải đề xuất. Mục tiêu của chúng ta là đến năm 2015 phải khắc phục triệt để tình trạng thiếu trường, thiếu lớp cho học sinh. Phấn đấu chậm nhất sau 3 năm khắc phục triệt để việc thiếu trường mầm non, mẫu giáo chứ không phải đến tận năm 2015” - Bí thư Phạm Quang Nghị chỉ đạo.

<>Thu Huyền

Triển lãm giáo dục New Zealand (Tiếng Anh phổ thông trung học, dự bị đại học, cao đẳng và đại học)

Danh sách các trường tham gia triển lãm: CPIT, Darfield high school, Papanui high school, Villa Maria College, Rangi Ruru school.

Nội dung:
- Gặp gỡ đại diện của các trường
- Phỏng vấn trực tiếp để nhận học bổng (cần mang theo học bạ photo)
- Nghe giới thiệu về hệ thống giáo dục của New Zealand so sánh với hệ thống giáo dục của Việt Nam, giúp phụ huynh và học sinh lựa chọn trường học và khoá học phù hợp.
- Phổ biến chính sách xét visa mới nhất của đại sứ quán New Zealand
Thời gian tổ chức hội thảo: 9h00 - 12h00, chủ nhật, ngày 02/10/2011
Địa điểm tổ chức hội thảo: Trung tâm Anh ngữ Washington - 66 Võ Thị Sáu - Hai Bà Trưng - Hà Nội.
Triển lãm có quà tặng của các trường”

Xin liên hệ với chúng tôi:
Công ty tư vấn và đào tạo giáo dục (ETC)
Điện thoại: 04 36250952 / 04 36250589
Phụ trách đăng ký: Chị Quyên và chị Ngân