Thứ Năm, 22 tháng 9, 2011

Trường học vắng hoe sau ca tử vong vì tay chân miệng

Trường mầm non số 5, phường Ngọc Hà, quận Ba Đình, Hà Nội ngày thường tấp nập với gần 500 học sinh đến lớp mỗi ngày. Nhưng hôm nay, sau 3 ngày em học sinh H.T.B.N (học sinh của trường) tử vong vì tay chân miệng, số em đến trường chỉ còn... 52 em.

Chưa bằng sĩ số của một lớp!

Sáng 23/9, chia sẻ với phóng viên Dân trí, cô giáo Đỗ Thị Bích Vân, hiệu trưởng trường mầm non số 5 buồn bã nói: “Hôm nay, số học sinh tới trường chỉ còn 52 em. Con số này, chưa bằng sĩ số của một lớp. Các cô giáo vẫn đến trường, nhưng các con thì vắng quá”.
Trường mầm non số 5, phường Ngọc Hà, nơi có bé B.N theo học. Ảnh: N.Toàn
Sáng thứ 3 (20/9), học sinh đến trường vẫn đạt con số 412/488 trẻ. Cùng chiều thứ 3, ngay sau khi em học sinh H.T.B.N tử vong, Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội đã cử người đến để phun khử khuẩn, vệ sinh toàn bộ lớp học, đồ chơi, đồ dùng của các bé… Ngay lập tức sáng hôm sau đã có tác động. Sáng thứ 4 chỉ còn 280 em đến trường, sáng thứ 5 còn 126 em tới lớp và sáng nay, con số này còn thụt thảm hại hơn, chỉ có 52 bé. Chưa bằng sĩ số lớp của bé H.T.B.N ngày thường với 59 em đi học đều đặn.
Lớp học vắng tanh, chỉ có cô không có trò. Ảnh: N.Toàn

Theo cô Vân, phụ huynh lo lẳng, hoảng sợ sau ca tử vong của một em học sinh trong trường là khó tránh khỏi, nhất là thời điểm này, những thông tin về tay chân miệng trong cả nước khiến nhiều người lo sợ. Nhưng bản thân cô cũng không thể lường được sự việc lại tác động mạnh tới phụ huynh như vậy. Trong số 52 em học sinh đến lớp hôm nay phần lớn là con của những cặp vợ chồng trẻ, không thể có chỗ trông gửi con nên đành đưa con tới lớp. Đại đa số các bé còn lại đều được để ở nhà với ông bà, người giúp việc, thậm chí bố mẹ nghỉ làm trông con, hoặc gửi con ở các nhóm trông tư thục…

Cô Vân cho rằng, phụ huynh lo lắng nhiều bởi có rất nhiều tin đồn thất thiệt xung quanh việc bé B.N tử vong. “Trường ở ngay giữa làng Ngọc Hà, ngay sau khi thấy y tế về phun khử khuẩn, rất nhiều tin đồn đã làm sai lệch sự việc. Có tin nói, bé B.N chết ngay trên tay cô giáo, rồi lại có tin, hiện một cháu cùng lớp B.N cũng đang bị tay chân miệng rất nguy kịch… Chính những tin đồn này đã làm phụ huynh ngại đưa con tới lớp, dù trường lớp, phòng học, đồ dùng, đồ chơi đã được cơ quan y tế khử trùng bằng cloraminB sạch sẽ”, cô Vân nói.

Nhưng thực tế, cả 448 em học sinh đều đang được y tế dự phòng phường giám sát, đến nay, chưa phát hiện em nào có biểu hiện tay chân miệng. “Ngay cả phụ huynh học sinh họ cũng rất chủ động, cùng lớp em học sinh B.N, phần lớn các mẹ đều đã đưa con đi khám nhưng cũng chưa có trường hợp nào có biểu hiện tay chân miệng”, côn Vân cho biết.

Cô Vân cũng chia sẻ thêm, việc vệ sinh lớp học, đồ dùng của các con tại trường được thực hiện rất thường xuyên. Đầu tháng 8, trường cũng đã dùng cloraminB được phát để tổng vệ sinh đồ dùng, buồng học. Các con ở trường thường xuyên được cô giáo rửa tay xà phòng diệt khuẩn. Riêng bát ăn, khăn rửa mặt của các con ngày nào cũng được sấy tiệt trùng, mỗi tuần luộc khăn rửa mặt hai lần. “Việc vệ sinh trường lớp, đồ dùng rất sạch sẽ. Vi rút gây bệnh tay chân miệng chúng ta không nhìn thấy để tránh, cũng không biết bé lây từ đâu, nhưng tôi cho rằng, không thể lây từ trường học. Nay trung tâm y tế lại đã vệ sinh lại phòng ốc, đồ dùng sạch sẽ, đảm bảo không còn nguồn lây, nên trường rất mong các gia đình cho con đi học trở lại. Việc cho con nghỉ ở nhà bố mẹ cũng không yên tâm đi làm, rồi gửi ở các nhóm trông tư thục liệu có đảm bảo?”, cô hiệu trưởng nói.

Không nên quá lo lắng!

Thông tin từ Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cho biết, ngay chiều 20/9, khi nhận được thông tin có một học sinh trường mầm non số 5, phường Ngọc Hà, Ba Đình, Hà Nội tử vong do nghi ngờ mắc tay chân miệng, Trung tâm đã cử ngay cán bộ Y tế tới trường để tiến hành công tác khử khuẩn, vệ sinh lớp học.

“Mọi ngóc ngách của từng lớp học đã được phun khửa khuẩn, đồ chơi, đồ vệ sinh cá nhân như khăn mặt, bát đũa đều đã được ngâm rửa bằng dung dịch sát khuẩn cloraminB, đảm bảo không còn nguồn lây. Các em học sinh vẫn đang được y tế dự phòng phường giám sát để kịp thời phát hiện ngay nếu có dấu hiệu bệnh, vì thế các phụ huynh không nên quá hoang mang, lo lắng không dám đưa con tới trường”, Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội cho biết.

“Vi rút tay chân miệng lây qua đường tiêu hóa, chúng ta không thể khẳng định, bé ở nhà là an toàn hơn ở trường, bởi chúng ta không nhìn thấy vi rút hiện diện để tránh, mà để tránh được nó là phải thực hiện vệ sinh cá nhân sạch sẽ, trở thành một thói quen”, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, phó trưởng khoa Nhi BV Bạch Mai chia sẻ.

Do là bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa, chủ yếu do tiếp xúc trực tiếp với nước bọt, dịch tiết của mũi, họng, dịch của các bọng nước khi vỡ, thực phẩm, tay bẩn, dụng cụ… bị ô nhiễm phân người bệnh (vi-rút được đào thải qua phân và tồn tại trong nước, đất, rau) nhưng cũng có một số ít trường hợp được ghi nhận lây lan qua đường hô hấp. Vì vậy, để phòng bệnh, cả người lớn và trẻ (trẻ đã biết bò, biết nghịch đồ chơi) phải rửa tay bằng xà phòng trước và sau khi ăn, sau khi đi vệ sinh, rửa sạch các dụng cụ, vật dụng, đồ chơi của trẻ bằng chloramin B 5% (nước khử trùng) hoặc xà phòng, nếu là bình sữa, bát, đĩa thì có thể luộc trong nước 100oC để khử trùng; hạn chế tiếp xúc trực tiếp như hôn, sử dụng chung đồ dùng;ăn chín, uống chín, che miệng khi ho và hắt hơi.

“Khi thực hiện tốt được những hành vi vệ sinh trên, trở thành một thói quen thì đã giảm được rất nhiều nguy cơ lây nhiễm của bệnh. Việc con bạn có thể bị bệnh không phải là ở đâu (ở trường, ở nhà hay khu vui chơi) mà ở chính hành vi vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường của mỗi người”, TS Dũng nói.
Hồng Hải


Cơ hội tới với nền giáo dục hàng đầu thế giới

Hàng năm, chính phủ Mỹ chi hàng tỷ đô la cho đầu tư giáo dục. Với việc chiếm số lượng lớn trong các bảng xếp hạng giáo dục thế giới và hàng trăm ngàn sinh viên sinh viên quốc tế mỗi năm, Mỹ thực sự đang trở thành miền đất hứa của giáo dục thế giới.

Với phương pháp giáo dục tiên tiến, chương trình giảng dạy khoa học cùng đội ngũ giáo viên tâm huyết giàu kinh nghiệm và môi trường học tập năng động sáng tạo, nước Mỹ đang trở thành viên nam châm thu hút mạnh mẽ niềm đam mê học tập, nghiên cứu của du học sinh toàn cầu. Những tri thức và kỹ năng ưu việt mà nền giáo dục chất lượng cao của Mỹ cung cấp chính là nền tảng vững chắc giúp du học sinh vươn tới thành công trong tương lai. Điều này lý giải tại sao Mỹ đang sớm trở thành điểm đến hấp dẫn của du học sinh trên toàn thế giới.
Không nằm ngoài xu thế đó, số lượng học sinh - sinh viên Việt Nam tham gia học tập tại Mỹ không ngừng tăng lên qua các năm. Và theo như dự đoán của các chuyên gia, nhu cầu học tập và nghiên cứu tại Mỹ còn tăng lên hơn nữa trong thời gian tới. Vấn đề được đặt ra là làm thế nào để phụ huynh (và các học sinh) có thể lựa chọn cho con em mình (cho bản thân mình) một ngôi trường phù hợp trong hệ thống giáo dục đồ sộ nổi tiếng chất lượng mà đắt đỏ của Mỹ?

Nhận thức được sự quan tâm của các phụ huynh cũng như học sinh Việt Nam, Trường Đại học công số 1 ở miền Trung Tây Hoa Kỳ (US News and World Report xếp hạng 2011) - Truman State University - sắp có mặt tại Hà Nội nhằm cung cấp thêm thông tin về hệ thống giáo dục Mỹ nói chung và trường Truman nói riêng. Buổi họp mặt sẽ diễn ra vào ngày thứ Ba 27 tháng 9 từ 18:30-20:00 tại tầng 1 Mecure Hà Nội la Gare Hotel, 94 Lý Thường Kiệt.
Tới với buổi gặp mặt, các học sinh - sinh viên cũng như phụ huynh sẽ có cơ hội đối thoại trực tiếp với Đại diện tuyển sinh của trường đại học Truman để hiểu rõ hơn về điều kiện nhập học, chương trình đào tạo, môi trường học tập, và các suất học bổng của trường. Dựa trên những lời khuyên của đội ngũ chuyên viên, đặc biệt là sự tham gia của cô Rachel Davis - điều phối viên tuyển sinh quốc tế của trường - sẽ giúp các học sinh - sinh viên tự đưa ra sự lựa chọn tốt nhất cho ước mơ du học Mỹ của mình.

Để biết thêm thông tin và đăng ký tham dự buổi họp mặt, vui lòng liên hệ:
Mrs. Trần Thị Minh Hoa
Điện thoại: 091.44.00.55.9
Tìm hiểu thêm thông tin về trường cũng như nắm bắt nhưng thông tin về giáo dục Mỹ, hãy truy cập: www.truman.edu

Dài cổ chờ miễn, giảm học phí

Theo quy định mới, sinh viên thuộc diện miễn giảm học phí phải đóng học phí cho trường, sau đó địa phương sẽ chi trả cha mẹ sinh viên. Tuy nhiên đến nay rất nhiều địa phương vẫn lúng túng, chưa triển khai thực hiện quy định này.

Học kỳ I năm học trước, sau khi được nhà trường xác nhận miễn, giảm học phí, Nguyễn Thị Hà, SV năm cuối Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn - ĐHQG TP.HCM, gửi ngay giấy xác nhận này về gia đình nộp cho địa phương để nhận lại tiền hỗ trợ miễn giảm học phí. Trong thời gian chờ đợi, gia đình phải chạy vạy khắp nơi vay tiền đóng học phí cho em gái của Hà đang học Trường ĐH Luật TP.HCM.

Vay nóng đóng học phí

Đến tháng 1-2011, mẹ Hà sau khi nhận được biên lai đóng học phí của hai con gửi về liền vội vã đến Phòng LĐ-TB&XH huyện Yên Thành (Nghệ An) xin nhận lại khoản tiền học phí học kỳ I (năm học 2010-2011) hơn 3 triệu đồng. Nhưng cán bộ ở đây nói “cứ nộp hồ sơ vào để thống kê trình cấp trên xét duyệt”. Bà Liễu, mẹ Hà, rối bời: “Tôi nhiều lần đến xã, Phòng LĐ-TB&XH huyện để hỏi việc này nhưng đến nay vẫn chưa có tiền. Để có tiền cho con đóng học phí tôi phải đi vay nóng...”.

Một trường hợp khác là gia đình ông Phan Văn Quảng, nhà ở huyện Bố Trạch (Quảng Bình). Ngày 15-9, ông trở lại Phòng LĐ-TB&XH huyện sau nhiều lần nộp đơn, hồ sơ để xin nhận lại khoản tiền học phí năm học qua hơn 5 triệu đồng mà ông phải vay mượn để cho con gái đang là SV Trường ĐH Khoa học - ĐH Huế đóng học phí trước đó. Nhưng cán bộ ở đây thông báo “chưa biết bao giờ mới có tiền”. Ông Quảng bức xúc: “Mấy năm trước SV diện chính sách được miễn, giảm học phí ngay tại trường rất thuận lợi, nhưng với quy định mới hiện nay mọi việc trở nên phức tạp, rối tung... Vì quy định mới này, giờ tôi lâm cảnh nợ nần”.

Trong khi đó, ông Hồ Văn Kiên (xã Đa Phước, huyện An Phú, An Giang) nhiều lần liên hệ Phòng LĐ-TB&XH huyện cũng nghe cán bộ bảo không có chính sách miễn giảm học phí như ông nói... “Trong khi con tôi gửi những thông tin Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM hướng dẫn rất rõ về nghị định này, nhưng cán bộ cứ nói chính sách chưa được áp dụng và phải chờ xem xét lại. Năm nay tôi phải đi vay mới đủ tiền cho con đóng học phí...” - ông Kiên bức xúc.

Sinh viên nộp học phí. Ảnh: minh họa - Internet
Sinh viên nộp học phí. Ảnh: minh họa - Internet

Chờ đến bao giờ?

Trương Thị Hường, SV năm 4 Trường ĐH Nông lâm TP.HCM, cho biết: “Hai năm học đầu tôi được miễn học phí. Theo quy định mới, từ năm học trước tôi phải rất vất vả mới xoay xở đủ tiền đóng học phí. Sau đó tôi đã nộp biên lai về Phòng LĐ-TB&XH huyện Bù Đăng (Bình Phước) nhưng đến nay vẫn chưa nhận được tiền hoàn trả học phí”. Hường bức xúc: “Tại sao phải bắt SV nghèo đóng học phí trong khi trước đây được miễn, rồi lại chờ đợi mỏi mòn vẫn chưa nhận lại tiền này theo quy định?”.

Nhiều SV thuộc diện miễn giảm học phí ở huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang cũng cho biết họ nhiều lần liên hệ Phòng LĐ-TB&XH huyện về việc hỗ trợ học phí nhưng đều không được giải quyết. SV Nguyễn Lộc đang học tại TP.HCM thắc mắc: “Tôi nộp đủ hồ sơ từ học kỳ I năm học 2010-2011 cho Phòng LĐ-TB&XH huyện. Mỗi lần đến cán bộ ở đây bảo cứ về, khi nào có tiền sẽ giải quyết nhưng đến nay vẫn không thấy gì”.

Lê Phúc Thịnh - SV năm 4 Trường ĐH Bách khoa ĐHQG TP.HCM (nhà ở Q.1, TP.HCM) - cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự: “Gia đình tôi liên hệ với Phòng

LĐ-TB&XH Q.1 nhiều lần nhưng chưa được giải quyết. Người ta nói chưa có tiền cứ ở nhà chờ, khi nào có sẽ gọi. Năm học trước tôi nộp hơn 5 triệu đồng học phí. Thời hạn nộp học phí lại sắp đến, nếu không được hoàn trả khoản tiền học phí năm trước tôi không biết tính sao”.

Nhiều SV các tỉnh Đắk Nông, Đắk Lắk, Gia Lai... đang theo học tại các trường ĐH tại TP.HCM diện chính sách được miễn giảm học phí trước đây, giờ đang đứng trước nguy cơ bị nhà trường đình chỉ học do không có tiền nộp học phí.

Riêng tại TP.HCM, theo ông Lê Chu Giang - trưởng phòng bảo trợ xã hội Sở LĐ-TB&XH TP.HCM, ngày 21-7 liên sở GD-ĐT, Tài chính, LĐ-TB&XH đã có văn bản hướng dẫn liên tịch về việc thực hiện miễn giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập cho HSSV... “Những vướng mắc về ngân sách đến nay đã được giải quyết. Sở Tài chính đã bố trí đủ kinh phí để chi trả học phí cho SVHS. Trường hợp SV chưa nhận tiền hỗ trợ miễn, giảm học phí theo thời hạn quy định thì được truy lĩnh trong kỳ chi trả tiếp theo” - ông Giang cho biết.

Thông tư 29/2010 (của liên bộ GD-ĐT, Tài chính, LĐ-TB&XH) hướng dẫn thực hiện một số điều của nghị định 49/2010/NĐ-CP quy định về miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập và cơ chế thu, sử dụng học phí đối với cơ sở giáo dục từ năm học 2010-2011 đến 2014-2015 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-1-2011.

Theo thông tư này, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục ĐH công lập có trách nhiệm xác nhận cho SVHS thuộc đối tượng miễn, giảm học phí vào đơn đề nghị cấp tiền miễn, giảm học phí trong vòng 30 ngày sau khi kết thúc học kỳ đối với SVHS đang học (đối với SVHS mới nhập học thì thực hiện xác nhận trong vòng bảy ngày kể từ khi nhập học) để SVHS nộp về phòng LĐ-TB&XH cấp huyện làm căn cứ chi trả tiền hỗ trợ miễn, giảm học phí.

Phòng LĐ-TB&XH chịu trách nhiệm quản lý, tổ chức thực hiện chi trả cấp bù học phí trực tiếp bằng tiền mặt cho cha mẹ SVHS có con đang học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục ĐH công lập. Chậm nhất trong vòng 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ đề nghị cấp bù học phí miễn, giảm theo quy định, phòng LĐ-TB&XH có trách nhiệm thanh toán, chi trả tiền cấp bù học phí miễn, giảm cho gia đình người học theo quy định.

Theo Tuổi Trẻ

Giáo sư ĐH Harvard nhận xét về giáo dục đại học ở VN

Nhận xét về giáo dục đại học ở Việt Nam, GS Thomas J.Vallely, Giám đốc Chương trình Việt Nam của ĐH Harvard, cho rằng có 3 yếu tố đảm bảo giáo dục đại học Việt Nam chưa sụp đổ.

Tuy nhiên GS Thomas J.Vallely cũng chỉ ra 5 ngộ nhận của Việt Nam về việc làm như thế nào để nâng cao chất lượng giáo dục đại học hiện nay.

GS Thomas J.Vallely.
Tháng 11/2008, trong khuôn khổ Chương trình Bồi dưỡng lãnh đạo các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, Đoàn tham quan và học tập kinh nghiệm các trường đại học, cao đẳng ở Hoa Kỳ do Bộ GD-ĐT tổ chức đã đến thăm ĐH Harvard. Đoàn được trường tiếp đón và báo cáo một chuyên đề nghiên cứu về hệ thống giáo dục đại học ở Việt Nam. Người báo cáo là GS Thomas J.Vallely, Giám đốc Chương trình Việt Nam của ĐH Harvard.

Tóm lược nội dung bản báo cáo, vẫn có giá trị tham khảo tại thời điểm này, như sau:

Có 3 yếu tố đảm bảo giáo dục đại học Việt Nam chưa sụp đổ (1):

- Một là, sự bùng nổ Internet ở Việt Nam trong những năm gần đây, đặc biệt là trong 8 năm trở lại đây. Chúng tôi nhận ra điều này khi phỏng vấn thí sinh Việt Nam đăng ký vào Đại học Harvard. Các thí sinh đã khai thác được kho tàng internet để tìm kiếm thông tin và học tập tốt. Trong nhóm được phỏng vấn, chỉ có khoảng 1% hạn chế về vấn đề này;

- Hai là, nhờ truyền thống hiếu học. Có thể nói, xã hội Việt Nam là một xã hội hiếu học và đặt giá trị của giáo dục rất thiêng liêng. Các bậc phụ huynh sẵn sàng đầu tư cho việc học tập của con cái mình về vật chất lẫn tinh thần;

- Ba là, kỳ thi tuyển sinh đại học ở Việt Nam được tổ chức nghiêm túc. Và do vậy, Việt Nam tuyển được người giỏi thực sự.

Tuy nhiên, báo cáo của Giáo sư Thomas J.Vallely cũng đã chỉ ra 5 ngộ nhận của Việt Nam về việc làm như thế nào để nâng cao chất lượng giáo dục đại học ở Việt Nam hiện nay. Năm ngộ nhận đó gồm:

- Một là, bộ tiêu chuẩn mà các trường ở Việt Nam đang áp dụng sẽ tạo ra chất lượng cao. Song, vấn đề khó nhất, lớn nhất là làm thế nào để quản trị, quản lý trường đại học (Việt Nam nên so sánh hệ thống đại học của mình với các nước khác, không nên so sánh mình với mình);

- Hai là, việc tăng nguồn lực vật chất là có thể tạo ra chất luợng cao hơn hiện có. Tôi (Giáo sư Thomas J.Vallely) rất hoài nghi về khả năng Ngân hàng Thế giới cho Việt Nam vay để phát triển giáo dục. Giáo sư cho rằng, nếu tiếp tục thì sẽ không thành công, không hiệu quả mà vấn đề là ở chỗ đổi mới quản trị, quản lý trước rồi mới đến cái khác. Kinh nghiệm ở Trung Quốc là khó áp dụng ở Việt Nam;

- Ba là, Việt Nam có thể cải cách từ từ cũng có thể dẫn đến thành công. (Giáo sư Thomas J.Vallely nói, mỗi lần tôi gặp một quan chức Việt Nam cho rằng, sẽ cải cách từ từ; nếu mỗi lần như vậy cho tôi 1 đô la thì bây giờ tôi đã là người giàu có). Và Giáo sư nói rằng, theo chúng tôi, Việt Nam phải cải cách nhanh chóng, mạnh mẽ như trong nông nghiệp thì mới có thể cải cách giáo dục (Giáo sư nhắc lại câu này khi Giáo sư trả lời với nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải tới thăm ĐH Harvard năm 2005);

- Bốn là, thực hiện kiểm định chất lượng như hiện nay là có thể nâng cao chất lượng đào tạo. Chúng ta cần biết rằng, kiểm định chất lượng chỉ có tác dụng khi nó có tính cạnh tranh và phải đi kèm với chế tài phù hợp. Kiểm định chất lượng là một công cụ rất quan trọng để Bộ Giáo dục và Đào tạo điều tiết được quá trình nới lỏng và trao thêm quyền tự chủ cho các trường. Theo chúng tôi, Việt Nam cần xây dựng cơ chế kiểm định chất lượng mới có thể tiếp tục cải cách hệ thống giáo dục đại học. Và chúng ta phải nhớ rằng, cơ chế kiểm định chất lượng chỉ là một công cụ chứ không phải là loại thuốc có thể chữa bách bệnh. Riêng kiểm định chất lượng thôi thì không giải quyết được vấn đề chất lượng. Kiểm định chất lượng chỉ hiệu quả khi các trường phải tự chịu trách nhiệm. Theo cách nói người Mỹ, đó là kiểm định chất lượng “có răng”, nghĩa là phải kèm với xử lý, không phải kiểm xong rồi thôi;

- Năm là, cách tuyển chọn và sử dụng nhân sự như hiện nay. Chẳng hạn, tiêu chuẩn lý lịch gia đình không có chỗ đứng trong khoa học. Hay ông hiệu trưởng mà không có quyền sa thải một cô rót trà thì rất khó nói đến việc nâng cao chất lượng. Ông cho rằng, Việt Nam phải đổi mới nhân sự trong giáo dục đại học mới có thể nâng cao chất lượng giáo dục. Nếu không làm điều này, Việt Nam khó có thể đổi mới đạt hiệu quả được. Việt Nam có nhiều nhà khoa học trẻ rất giỏi. Họ đã rất thành công trong và ngoài nước. Cần dành chỗ đứng cho nhân sự khoa học. Mặc dù Nhà nước phải đóng vai trò chủ chốt trong giáo dục nhưng phải đổi mới về vấn đề này.

Có thể nói, hiện nay, giáo dục và đào tạo là lĩnh vực được rất nhiều người quan tâm và bàn luận. Đã có rất nhiều ý kiến khác nhau, thậm chí đối lập nhau về vấn đề này. Chẳng hạn, nên duy trì 2 kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh đại học cao đẳng như hiện nay hay bỏ một trong hai; nếu bỏ một kỳ thi thì bỏ kỳ thi nào,… Do giới hạn của bài viết, chúng tôi xin giới thiệu những nội dung nêu trên để bạn đọc tham khảo và không bình luận thêm trong bài viết này.
---
(1) Từ này do Giáo sư ĐH Harvard dùng.


PGS.TS. Võ Văn Thắng
Phó Hiệu trưởng ĐH An Giang
Theo Tia sáng