Thứ Ba, 20 tháng 9, 2011

Trường không có phòng vệ sinh, thầy trò phải nhờ nhà người dân

Tại nhiều điểm lẻ của Trường Tiểu học Phong Thạnh (xã Phong Thạnh A, huyện Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu) chịu chung cảnh không có nhà vệ sinh. Thầy và trò phải đi nhờ nhà dân gần trường hoặc có khi đi cả ở ngoài bụi cây phía sau lưng trường.

Từ nhiều năm nay, thầy trò Trường Tiểu học Phong Thạnh (xã Phong Thạnh A, huyện Giá Rai) cùng dạy và học trong những điểm trường đã xuống cấp. Ước mơ về một ngôi trường mới đã có từ lâu nhưng cho đến nay vẫn chỉ là mơ ước xa vời.

Mới đây, chúng tôi về xã Phong Thạnh A tìm đến Trường tiểu học Phong Thạnh - ngôi trường được xem là nghèo nhất của huyện Giá Rai cho đến lúc này. Lãnh đạo nhà trường cho biết, trường được xây dựng vào năm 1979 ghép chung với trường cấp II Phong Thạnh. Sau nhiều năm tách - nhập, đến năm 1996 trường chính thức được giao cho Trường tiểu học Phong Thạnh quản lý.

Điểm trung tâm xuống cấp

Có mặt tại điểm trung tâm ở ấp 18, chúng tôi chứng kiến các em học trò nhỏ phải học trong những gian phòng cũ kỹ, bàn ghế thấp, có cái đã hư hỏng được lắp ghép tạm thời để các em có chỗ ngồi, chỗ viết. Phía bên hông, cửa sổ mỗi phòng được mắc tạm bằng những tấm bạt để che mưa, che nắng. Còn ở trên trần, mái tôn có những chỗ bị nứt nẻ mà mỗi khi mưa đến có nhiều chỗ trong phòng bị dột.

Các phòng học được mắc tạm bằng những tấm bạt để che mưa, che nắng.

Dù gọi là điểm trung tâm nhưng tại đây chỉ có 5 phòng, phòng nào cũng xuống cấp từ rất lâu. Chúng tôi quan sát mấy hàng cột phía trước các phòng thấy bị nứt lộ cả các thanh sắt ra bên ngoài. “Tiêu điều” hơn là những cánh cửa gỗ, chỗ còn chỗ mất, bị hư hỏng khá nhiều nhưng nhà trường vẫn không thể thay cửa mới vì không có nhiều kinh phí. Chính vì thế, cửa gỗ có cái được ghép tạm bằng một mảnh ván khác, có cái cứ để trống trơn.

Hư hại nặng ở các cây cột
Những cánh cửa phòng cũng không còn lành lặn ở điểm trung tâm.

Thầy Huỳnh Văn Tuấn - phó hiệu trưởng nhà trường cho biết, 5 phòng ở điểm trung tâm thì 1 phòng dành cho Ban giám hiệu làm việc, 1 phòng dành cho thư viện, trang thiết bị đồ dùng học tập và cũng là nơi để các em học sinh đến đọc sách nên rất chật chội, còn 3 phòng dùng để dạy học.

Dẫn chúng tôi vào tham quan phòng của Ban giám hiệu, thầy Tuấn cho biết: “Tất cả ban lãnh đạo của trường đều làm chung một phòng này”. Căn phòng nhỏ được ngăn ra làm hai bằng một tấm ván, quan sát kỹ lắm chúng tôi mới tìm được chỗ ngồi của hiệu trưởng. Chỗ ngồi của vị lãnh đạo cao nhất trường được xếp ở phía trong khá tối, phía sau là nơi chứa một số đồ dùng khác trông khá bề bộn. Thầy Tuấn cho biết, từ nhiều năm qua, toàn thể Ban giám hiệu làm việc trong không gian chật chội vì không biết làm sao hơn khi điểm trung tâm không còn phòng nào khác.

Phòng của Ban giám hiệu ở điểm trung tâm chật chội và khá tối.

Phòng học, phòng của Ban giám hiệu thì như vậy, còn nhìn ra ngoài, sân trường cũng rất hẹp. Sân trường có chiều ngang chừng 6m, dài chưa tới 30m là nơi vui chơi của hơn 100 học sinh của trường. Sân trường hẹp lại càng hẹp khi còn là nơi để xe đạp của học sinh, xe máy của các giáo viên, trồng cây nên diện tích dành cho các em vui chơi không còn được bao nhiêu. Bên cạnh đó, nhà vệ sinh của điểm này cũng đã xuống cấp từ rất lâu.

Các điểm lẻ xập xệ

Ngoài điểm trung tâm, Trường tiểu học Phong Thạnh còn có 4 điểm lẻ ở các ấp. Trong đó, điểm ấp 22 có số học sinh đông nhất, điểm này có gần 200 em học sinh chia làm 8 lớp, học ở 4 phòng học và 1 phòng tạm. Thầy Giang - trưởng điểm ấp 22 cho biết, 4 phòng học được xây từ cách đây hơn 15 năm và hiện nay cũng đã xuống cấp nghiêm trọng. Còn sân trường thì bị ngập mỗi khi mưa xuống nên học sinh chỉ có thể vui chơi trên hành lang.

Một giáo viên chỉ cho chúng tôi xem những chỗ hư hại ở điểm trường ấp 22.

Tại điểm ấp 22, do trường không có hàng rào bao bọc, song xung quanh lại có nhiều mương, rãnh nên giáo viên ở đây rất lo. Thầy Giang cho biết, đa số các em học sinh còn nhỏ, lại hay đùa nghịch nên những buổi ra chơi, thầy cô phải kiêm luôn nhiệm vụ canh chừng các em.

Điểm trưởng ấp 22 chỉ cái ao trước sân trường, nơi mà thầy cô phải canh chừng các em học sinh vì sợ các em té ngã rất guy hiểm.

Còn ở điểm ấp 4 có 56 học sinh với 3 lớp học. Điểm này có 2 phòng được xây theo kiểu ghép lại. Cũng như những điểm ấp 22, điểm ấp 4 cũng xuống cấp. Nhìn bên ngoài có vẻ điểm này khá chắc nhưng bên trong phòng có nhiều chỗ bị hư hại nặng. Thầy Lê Quãng Tính - điểm trưởng cho biết, cửa sổ các phòng được che tạm bằng những tấm màn; còn trên trần, các tấm la phông thì hầu hết đã bị vỡ. Vậy nên khi trời mưa là phòng bị dột, trời nắng thì nóng bức gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc học của các em.

Trong khi đó, tại điểm trường ấp 3 có 86 học sinh với 2 phòng học nhưng có đến đến 5 lớp. Trong đó có hai lớp (lớp 3 và 4) lại phải chịu cảnh ghép học chung 1 phòng. Khi chúng tôi tới thăm điểm trường này, nhìn vào phòng thấy các em ngồi quay ở 2 đầu khác nhau mà không khỏi chạnh lòng. Thầy Hà Quang Vinh - một giáo viên dạy ở điểm ấp 3 cho biết, điểm này có dấu hiệu xuống cấp từ rất lâu, các phòng đều cũ kỹ, cửa nẻo, mái tôn bị hư hỏng nhưng vẫn chưa thể sửa lại được. Không thể thể sửa cũng không thể đi chỗ khác nên thầy và trò vẫn phải học ở điểm này.

Học sinh ở điểm ấp 3 học trong các phòng đã cũ kỹ.

Một điểm khác ở ấp 24 có 2 lớp với 1 phòng học và cũng chịu cảnh học ghép chung với nhau (lớp 1 ghép với lớp 2). Thầy phó hiệu trưởng Huỳnh Văn Tuấn cho biết, do điểm này ở vùng sâu, đường đi lại khó khăn, học sinh còn quá nhỏ nên các em không đi học xa được vì thế phải bố trí 1 điểm ở ấp này để dạy học cho các em. Tuy nhiên, điểm này cũng không còn lành lặn gì.

Theo ghi nhận của chúng tôi, một nỗi khổ khác mà thầy và trò ở các điểm lẻ cùng chịu là cảnh không có nhà vệ sinh. Chính vì thế, cả thầy và trò đều đi nhờ nhà dân gần trường hoặc có khi đi cả ở ngoài bụi cây phía sau lưng trường.

Mơ một ngôi trường mới

Trò chuyện với chúng tôi, các em học sinh Trường Tiểu học Phong Thạnh đều cho biết mong muốn có ngôi trường mới để học tập cho yên tâm. Em Tăng Hình Sự (học sinh lớp 2, học ở điểm ấp 4) nói: “Trường của em thì cũ, mưa thì phòng bị dột nên em muốn có trường mới, trường lầu để học nhưng không biết chừng nào mới có?”.

Cũng cùng mong muốn với em Sự, nhiều em học sinh ở các điểm trường khác cũng bày tỏ với chúng tôi là sẽ rất thích khi học trường mới, đặc biệt là trường lầu. Các em muốn có sân chơi rộng hơn, phòng học có quạt máy, phòng thư viện có chỗ ngồi để đọc sách…

Thầy phó hiệu trưởng Huỳnh Văn Tuấn cho biết, đa số các em học sinh ở đây đều thuộc gia đình nghèo nên việc học của các em không được nhiều thuận lợi. Nhìn các em thiếu chỗ vui chơi, phải đi vệ sinh nhờ, lãnh đạo trường cảm thấy rất xót xa.

“Chúng tôi mong có một ngôi trường mới từ rất lâu rồi. Có trường mới thì thầy và trò sẽ an tâm hơn, không sợ mưa nắng gây ảnh hưởng đến công việc dạy và học. Có trường mới cũng đồng nghĩa sẽ thu hút được nhiều học sinh hơn vì nhiều em đã phải bỏ học hoặc đi nơi khác vì không muốn học ở ngôi trường cũ kỹ, xuống cấp”- thầy Tuấn bộc bạch.

Cũng theo thầy Tuấn, chính quyền địa phương đã có dự án xây dựng điểm trung tâm mới với kinh phí khoảng 4 tỷ đồng. Song, với số kinh phí này, địa phương và ngành GD chưa lo đủ để khởi công xây dựng. Trong khi đó điểm trung tâm ngày càng xuống cấp cũng như các điểm lẻ khác cũng không còn an toàn cho học sinh và không đủ các phòng chức năng để phục vụ cho công tác quản lý cũng như phục vụ cho học sinh trong các tiết ngoài giờ, lên lớp.

“Nhà trường rất cần đến sự hảo tâm tài trợ của các cơ quan, doanh nghiệp, cá nhân giúp đỡ cho nhà trường sớm được xây dựng ngôi trường mới có đủ phòng học, phòng chức năng để hoàn thành tốt công tác giáo dục của mình”- thầy Tuấn mong mỏi.

Bài và ảnh:Huỳnh Hải


15 năm, cấp hơn 10 triệu suất học bổng cho HS, SV, giáo viên

Trong 15 năm qua, các quỹ khuyến học trong toàn quốc đã xuất trên 10.000 tỷ đồng cho hơn 10 triệu suất học bổng và phần thưởng cho HS, SV, giáo viên. Hàng năm có tới trên 3 triệu HS, SV được nhận học bổng hoặc tiền thưởng từ các loại hình quỹ khuyến học.

Con số này được đưa ra trong buổi họp báo do Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam tổ chức sáng nay 20/9 nhân kỷ niệm 15 năm tham gia phát triển sự nghiệp giáo dục (02/10/1996 - 02/10/2011). Chủ trì buổi họp báo là GS.TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Hội Khuyến học Việt Nam.
GS.TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam phát biểu tại buổi họp báo.

Ngày 02/10/1996, Đảng và Nhà nước đã chủ trương cho thành lập một tổ chức xã hội có chức năng vận động toàn dân học tập với tên gọi Hội Khuyến khích và hỗ trợ phát triển giáo dục, gọi tắt là Hội Khuyến học Việt Nam. Sứ mạng của nó là “Khuyến học, khuyến tài, xây dựng cả nước trở thành một xã hội học tập”, với mục tiêu “Nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài”.

Đặc biệt, Bộ Chính trị đã ra Chỉ thị 11-CT/TW định hướng phòng trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Thủ tướng Chính phủ đã ra Chỉ thị 02/2007/CT.TTg về phát triển phong trào khuyến học và xây dựng Hội Khuyến học Việt Nam theo tinh thần Chỉ thị 11-CT/TW Bộ Chính trị. Nhà nước đã quyết định lấy ngày 2/10 hàng năm làm Ngày Khuyến học Việt Nam.

Sau 15 thành lập, Hội đã có nhiều thành tích đáng kể. Tổ chức Hội đã được xây dựng trên 100% tỉnh, thành phố; 100% quận, huyện, thị xã; gần 100% xã, phường, thị trấn. Hội đã có trên 7,5 triệu hội viên, sinh hoạt trong gần 200.000 các chi hội khuyến học. Hơn 10.000 Trung tâm học tập cộng đồng được tổ chức, thu hút mỗi năm khoảng dưới 10 triệu lượt người tới học. Cả nước đã có trên 3,5 triệu gia đình và 40.000 dòng họ đạt danh hiệu “Gia đình hiếu học”, “Dòng họ khuyến học”. Quỹ Khuyến học trong toàn quốc, mỗi năm huy động được trên 700 tỷ đồng. Hàng năm có tới trên 3 triệu HS, SV được nhận học bổng hoặc tiền thưởng từ các loại hình quỹ khuyến học.

Quỹ Khuyến học trong toàn quốc đã xuất trên 10.000 tỷ đồng cho hơn 10 triệu suất học bổng và phần thưởng cho HS, SV, giáo viên.

Đề án “Hội Khuyến học Việt Nam tham gia xây dựng xã hội học tập từ cơ sở đã khẳng định vai trò của Hội trong cuộc vận động toàn dân xây dựng các mô hình học tập, học tập suốt đời từ cơ sở, xã phường, thôn, bản. Cuộc thi “Nhân tài Đất Việt” đã đánh dấu 5 năm phát triển trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học và công nghệ, suy tôn những tài năng Việt…

GS.TS Phạm Tất Dong cho biết: “Ngay sau ĐH lần thứ IV của Hội, một sự kiện hết sức quan trọng khẳng định vị trí và tác dụng hoạt động của Hội, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 68/2010/QĐ-TTg công nhận Hội Khuyến học VN là Hội có tính chất đặc thù, hoạt động trong phạm vi cả nước. Quyết định trên của Thủ tướng Chính phủ có ý nghĩa hết sức quan trọng, nguồn động viên to lớn, đánh dấu bước trưởng thành của Hội”.

Được biết, ngày 19/9/2011, Bộ GD-ĐT và Hội Khuyến học Việt Nam đã có Lễ ký kết kế hoạch phối hợp công tác giai đoạn 2011 - 2015.

Ngày 28/9 tới, tại Hà Nội, Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam tổ chức kỷ niệm 15 năm thành lập.

Hồng Hạnh