Thứ Năm, 13 tháng 10, 2011

ĐH Lao động Xã hội sai phạm nghiêm trọng

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Doãn Mậu Diệp đã khẳng định như trên khi trao đổi với PV, xung quanh việc thanh tra toàn diện trường ĐH Lao động Xã hội (LĐXH), trong đó có vấn đề sai phạm trong công tác tuyển sinh.
Thưa ông, quan điểm của Bộ như thế nào trước thông tin sai phạm về đào tạo, tuyển sinh của trường ĐH LĐXH?
Bộ xác định đây là vụ việc hết sức nghiêm trọng, cần phải giải quyết một cách nghiêm túc, triệt để. Vụ việc này không chỉ gây tâm lý hoang mang cho sinh viên mà cả cán bộ giáo viên trong trường. Chính vì thế, cách đây 1 tháng, sau khi nhận được đơn thư tố cáo chính danh, Bộ đã chỉ đạo thành lập đoàn thanh tra tiến hành thanh tra sự việc dưới 2 hình thức: thanh tra nội dung đơn tố cáo và thanh tra toàn diện các hoạt động của nhà trường từ trước tới nay.
Vậy cụ thể công tác thanh tra vụ việc tới nay đã đạt được kết quả như thế nào, thưa ông?
Hiện nay đoàn thanh tra đã trình dự thảo kết luận thanh tra lên lãnh đạo Bộ xem xét và cho ý kiến. Trong tuần sau, đoàn thanh tra sẽ có buổi làm việc với nhà trường để đối chiếu xác minh thông tin. Từ đây đoàn thanh tra mới có văn bản kết luận chính thức trình lãnh đạo Bộ xem xét. Vì đây là vụ việc nghiêm trọng nên ngay cả khi kết luận chính thức của thanh tra không đạt yêu cầu, lãnh đạo Bộ sẽ yêu cầu tiến hành thanh tra lại.
Những sai phạm về công tác đào tạo, tuyển sinh mà dư luận đã nêu có đúng hay không?
Nhìn chung là đúng nhưng có một vài chi tiết liên quan tới con số sinh viên mà nhà trường đã tuyển sai quy chế là chưa chính xác. Cụ thể, trong quá trình làm việc, thanh tra Bộ đã lôi ra hơn 300 trường hợp sinh viên đang theo học tại trường có nghi vấn về đầu vào. Tuy nhiên, sau khi xác minh lại thông tin, chỉ có khoảng hơn 100 trường hợp có đầu vào sai quy chế, số còn lại thuộc diện cử tuyển từ địa phương đưa lên.

ĐH Lao động Xã hội 'sai phạm nghiêm trọng', Tuyển sinh ĐH-CĐ, Giáo dục - du học, tuyen sinh, chay truong, truong dai hoc lao dong xa hoi, sai pham, bao

Trường ĐH LĐ-XH
Vậy còn quyết định bất thường của nhà trường buộc thôi học 4 sinh viên khoá 5 học tại cơ sở Sơn Tây?
Vấn đề này thanh tra cũng đã vào cuộc, để trình kiến nghị hướng giải quyết lên lãnh đạo Bộ xem xét. Thực ra, trước đây công an Hà Nội cũng đã tiến hành điều tra nhưng không rõ vì nhà trường không cung cấp đầy đủ hồ sơ hay do phía cơ quan điều tra chưa làm triệt để nên vụ việc vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng. Việc giấy báo điểm của 4 sinh viên này bị tẩy xoá là do nhà trường hay học sinh thì còn phải chờ kết luận thanh tra.
Vậy khi đã có kết luận chính thức Bộ sẽ có hướng xử lý như thế nào, thưa ông?
Tất cả quyết định đều phải căn cứ vào quy định pháp luật, sai phạm tới đâu xử lý tới đó. Sau khi có kết luận thanh tra, nhà trường sẽ tổ chức cuộc họp kiểm điểm những sai phạm của từng cá nhân và đưa ra hình thức kỷ luật cụ thể. Tuy nhiên trong khi xử lý cũng cần phải xem xét tới động cơ dẫn tới sai phạm là gì. Nếu do quan liêu, thiếu chỉ đạo đôn đốc dẫn đến sai sót thì sẽ có hướng giải quyết khác, còn nếu vướng vào tiêu cực sẽ có hướng giải quyết khác…
Về phía sinh viên, vào trường bằng đường này hay đường khác, không chính thống thì cũng vẫn phải theo quy chế mà xử lý. Thử hỏi nếu anh không đủ điểm mà vào trường thì theo quy chế có được theo học hay không? Tóm lại, cá nhân nào làm sai, cá nhân đó phải chịu trách nhiệm.
Bỏ thi, điểm dưới chuẩn vẫn… đỗ ĐH
Trước khi thanh tra Bộ LĐ-TB-XH vào cuộc, có thông tin cho rằng, chỉ trong hai đợt tuyển sinh 2009 và 2010, trường ĐH LĐ-XH đã tiếp nhận hàng trăm thí sinh không thi, bỏ thi, khác khối, dưới điểm sàn, dưới điểm chuẩn vào hệ đại học. Không những vậy, nhiều trường hợp thí sinh có hồ sơ, điểm thi hợp lệ lại phải nhận quyết định buộc thôi học một cách vô lý. Kỳ lạ hơn, những trường hợp bị buộc thôi học này vẫn được học như các sinh viên khác.
Về ý kiến dư luận cho rằng, năm nào Bộ GD-ĐT cũng đi thanh tra tuyển sinh nhưng lại để lọt sai phạm của trường ĐH LĐ-XH trong 2 năm liền, ông Phạm Huy Bằng, Chánh thanh tra Bộ GD-ĐT, cho biết đang tập hợp tài liệu, tìm hiểu về sự việc này.
Thủy Trúc

4 điều hoang tưởng về Christopher Columbus

Columbus không phải là người tìm ra châu Mỹ và cũng không mang truyền bệnh giang mai về lại châu Âu. Dưới đây là những ngộ nhận phổ biến nhất của dư luận về Christopher Columbus, theo LiveScience:
Columbus chứng minh trái đất hình tròn
Nếu Columbus có chứng minh được điều đó, thì ông vẫn chậm chân hơn người khác tới 2000 năm. Những nhà toán học Hy Lạp cổ đại đã chứng minh thành công rằng Trái đất hình tròn chứ không phải là một mặt phẳng. Nhà toán học Pitago ở thế kỷ thứ 6 trước CN chính là một trong những người đầu tiên khởi xướng ý tưởng này và đến thế kỷ thứ 4 trước CN, đến lượt Aristot đã cung cấp bằng chứng vật lý để chứng minh, chẳng hạn như bóng của Trái đất trên mặt trăng hay độ cong của Trái đất mà mọi thủy thủ đều biết rõ khi tiến vào đất liền.

Và đến thế kỷ thứ 3, Eratos đã xác định được hình dáng và chu vi của Trái đất nhờ những phép tính hình học cơ bản. Sang thế kỷ thứ hai sau CN, Claudius Ptolemy đã viết “Almagest”, một luận thuyết pha trộn giữa toán học và thiên văn học về hình dáng và chuyển động của Trái đất. Luận thuyết này rất nổi tiếng trong giới thượng lưu và trí thức châu Âu ở thời của Columbus.
Trong khi đó, do các kiến thức đều tự học nên Columbus phán đoán chu vi của Trái đất nhỏ hơn thực tế rất nhiều, trong khi diện tích châu Âu lại được nhận định quá rộng. Columbus cũng cho rằng Nhật Bản cách rất xa Trung Quốc. Chính vì tất cả những lý do kể trên, ông cho rằng có thể đến châu Á bằng cách đi về phía tây – một quan điểm mà hầu hết giới trí thức châu Âu thời ấy đều cho là vô cùng ngớ ngẩn. Không phải vì Trái đất hình phẳng mà vì tính toán của Columbus quá sai. Tuy nhiên Columbus đã gặp may khi vẫn tìm thấy đất liền, dù hiển nhiên đó không phải là châu Á.
Columbus tìm ra châu Mỹ
Hãy cùng bỏ qua thực tế rằng hàng triệu người đã định cư trên mảnh đất mà sau này được đặt tên là châu Mỹ, cũng tức là họ đã phát hiện ra châu Mỹ cả thiên niên kỷ trước đó. Và cũng tạm quên đi hành trình của Leif Ericson tới Greenland và Canada vào năm 1000 sau CN. Nếu như Columbus là người đầu tiên tìm ra châu Mỹ thật, thì bản thân ông cũng không biết điều đó. Cho đến khi qua đời, ông vẫn tuyên bố mình đã đặt chân đến châu Á.
Trên thực tế, địa điểm mà Columbus tìm ra là vùng đảo Bahamas và đảo lớn Hispaniola (hiện đã tách thành Haiti và Cộng hòa Dominica). Sau này, ông thực hiện thêm vài chuyến xuôi nam về phía Trung và Nam Mỹ, vì thế, chưa bao giờ Columbus tiếp cận gần nước Mỹ cả.

Nhưng tại sao nước Mỹ lại tôn vinh một cách long trọng Columbus – người luôn nghĩ rằng mình đã tìm thấy con đường mới đến với châu Á và mảnh đất mà Marco Polo đã miêu tả? Đó là bởi vì nước Mỹ thời sơ khai đã chiến đấu chống lại quân xâm lược Anh chứ không phải quân Tây Ban Nha. John Cabot (người Anh) đã “tìm thấy” Newfoundland vào năm 1497 và dọn đường cho sự đổ bộ của quân Anh xuống gần hết lãnh thổ Bắc Mỹ. Vì thế, những người Mỹ quay sang tôn vinh Columbus như người hùng và quay lưng hoàn toàn với Cabot. Cũng vì lý do này mà thủ đô của Mỹ là Washington D.C, với D.C là chữ viết tắt của District of Columbia chứ không phải District of Cabot.
Columbus mang mầm bệnh giang mai về châu Âu
Đây là một quan niệm gây ra rất nhiều tranh cãi. Giang mai là bệnh phổ biến ở châu Mỹ trước thời Columbus, tuy nhiên, sử sách cũng cho thấy, căn bệnh này đã tồn tại ở châu Âu từ một thiên niên kỷ trước đó, dù không được hiểu đúng và ghi nhận đúng. Người Hy Lạp cổ đại chỉ miêu tả nhiều “thương tổn” rất giống với bệnh giang mai và vô tình, một đợt dịch giang mai đã bùng phát tại Naples vào năm 1494 trong đợt xâm lược của quân Pháp, chỉ 2 năm sau khi Columbus từ châu Mỹ quay trở về cố hương.
Columbus qua đời trong cảnh vô danh và nghèo đói
Có thể Columbus không sung túc gì khi qua đời tại Tây Ban Nha ở tuổi 54 vào năm 1506. Tuy nhiên, ông không túng quẫn như trong sử sách vẫn ghi. Ông sống khá thoải mái trong một căn hộ ở Valladolid, ngoại trừ những cơn đau do bệnh viêm khớp nặng mang lại. Columbus từng bị bắt nhiều năm trước vì bị cáo buộc đã bạo ngược và và bóc lột người châu Mỹ bản địa. Tuy nhiên ông đã được vua Ferdinand phóng thích chỉ sau 6 tuần ngồi tù. Ông cũng từ chối hầu hết những bổng lộc mà nhà vua và nữ hoàng hứa hẹn ban tặng.
Mặc dù vậy, sau khi ông chết, gia đình ông đã kiện... hoàng gia. Đây là một vụ kiện rất nổi tiếng và được đặt tên là vụ kiện Columbian, kéo dài gần 20 năm. Con cháu của Columbus cuối cùng cũng giành được nhiều tài sản và của cải từ tay đức vua.
Trọng Cầm

Khám phá Canada và nhận quà hấp dẫn

Một cuộc thi trắc nghiệm kiến thức đầy hấp dẫn và vui nhộn mang tên “Canada - Vui khám phá, cùng chia quà!" sẽ diễn ra từ ngày 12/9/ 2011 đến 20h ngày 20/10/ 2011 dành cho mọi công dân Việt Nam dưới 25 tuổi.

Cuộc thi mang tính giáo dục cao và sẽ được tổ chức trên giao diện web thân thiện, giúp người tham gia có cảm giác như đang dạo chơi thật sự tại Canada. Số điểm đạt được sẽ tỉ lệ nghịch với thời gian suy nghĩ và trả lời., đòi hỏi sự nhạy bén và tinh ý của người chơi.
Người chơi sẽ phải trả lời 20 câu hỏi về Canada ở nhiều lĩnh vực khác nhau bao gồm lịch sử, địa lý, văn hóa, giáo dục, xã hội, giải trí, và thể thao. Với ngân hàng câu hỏi phong phú, người tham gia khi chơi càng nhiều lần, càng có cơ hội hiểu biết nhiều hơn về Canada.
Giải thưởng là những phần quà thú vị gồm 1 giải nhất: Blackberry torch 9800 Smart phone; 3 giải nhì: Blackberry curve 8520 Smart phone; 6 giải ba: CD mới nhất của ca sĩ người Canada Justin Bieber cùng với USB Pen; và 20 giải khuyến khích: USB Pen.
30 người chơi đạt thứ hạng cao nhất sẽ là người thắng cuộc. Người thắng cuộc sẽ được ban tổ chức thông báo qua e-mail đã đăng kí với chương trình, và giải thưởng sẽ được trao cho người thắng cuộc tại Tuần lễ Giáo dục Canada thường niên lần thứ 3 diễn ra tại TP.HCM (23/10/2011), Đà Nẵng (26/10/2011) và Hà Nội (29/10/2011).
Khám phá Canada và nhận quà hấp dẫn
HS-SV sẽ có cơ hội tìm hiểu điều kiện giáo dục tại Canada.
Để biết thêm chi tiết, mời truy cập trang web của cuộc thi: http://quiz.duhoc-o-canada.com.
PV
Theo Bưu Điện Việt Nam