Thứ Tư, 28 tháng 9, 2011

Nghị lực của nữ sinh mồ côi

Cha mất khi chưa lọt lòng mẹ, không họ hàng thân thích, Thủy lớn lên bằng tình thương và sự khó nhọc của mẹ. Vượt lên hoàn cảnh, em luôn cố gắng học và đạt nhiều huy chương ở các cuộc thi học sinh giỏi môn tiếng Anh.

Bùi Thu Thủy là sinh viên năm thứ 2 ĐH Ngoại thương TP HCM. Ngay từ năm nhất, Thủy đã đạt kết quả học tập đáng nể với điểm trung bình các môn là 8,24.

Ở cấp phổ thông, Thủy từng là học sinh giỏi nhiều năm liền. Từ năm lớp 10 đến lớp 12, em liên tục đạt giải ở các cuộc thi học sinh giỏi tiếng Anh khu vực miền Nam và quốc gia. Vừa qua, Thủy là một trong những gương mặt tiêu biểu được Trung ương đoàn TNCS Hồ Chí Minh trao học bổng dành cho sinh viên nghèo vượt khó, học giỏi.

Kể lại chặng đường học tập từ nhỏ đến hôm nay vào đại học, Thủy nghẹn ngào: "Em cũng không hiểu sao hai mẹ con em có thể vượt qua được cuộc sống khắc nghiệt những năm tháng ấy".

Thủy hiện là sinh viên năm 2 ngành kinh tế tài chính đại học Ngoại thương TP HCM.
Bùi Thu Thủy hiện là sinh viên năm 2 ngành kinh tế tài chính ĐH Ngoại thương TP HCM. Ảnh: Hải Duyên.

Cuộc sống khó khăn vận vào gia đình từ những ngày mẹ Thủy, cô gái miền quê Ninh Bình phiêu bạt vào Nam năm 18 tuổi lập nghiệp, rồi lấy chồng ở Bạc Liêu. Mọi thứ dường như sụp đổ vào đúng lúc mẹ bắt đầu mang thai em. Xí nghiệp mẹ làm bị giải thể không có việc làm, chồng qua đời vì tai nạn, gia đình họ hàng hai bên đều nghèo và ở tận miền Bắc xa xôi.

Vốn liếng dành dụm được, mẹ dồn mua được căn nhà tuềnh toàng ở giữa một cánh đồng nằm cách xa thị xã Bạc Liêu khoảng hơn nửa giờ đi xe đạp. Cả một vùng đất rộng lớn nhưng chỉ có vài hộ sinh sống. Cuộc sống của hai mẹ con heo hút, đơn độc. Mẹ em xoay sở đủ kiểu để kiếm từng đồng nuôi con.

Tuổi thơ của Thủy là những ngày lẽo đẽo cùng mẹ ra đồng, được đặt trong cái chậu trên bờ. Nhưng thường xuyên là những lúc lủi thủi trong bốn bức tường của căn nhà nhỏ trên cánh đồng cỏ lau bạt ngàn. Có lẽ vì thế mà Thủy tập cho mình tính tự lập từ sớm. Khi lớn thêm một chút, hàng ngày ngoài việc lên lớp, em lại phụ giúp mẹ việc đồng áng chăn nuôi. Ruộng đất quanh nhà bỏ hoang trở thành mảnh vườn nhỏ để hai mẹ con trồng thêm lúa, nuôi thêm heo... Cuộc sống càng khó khăn khi mẹ em mắc bệnh sỏi thận.

Năm lên Sài Gòn học đại học là lần đầu tiên Thủy xa mẹ. Em tự thân lo toan mọi thứ giữa cuộc sống lạ lẫm, phồn hoa. "Có những lúc cảm thấy quá đỗi mệt mỏi và chán nản, em dường như muốn buông xuôi, nhưng rồi tự biết là không thể. Em chưa đi hết con đường với bao hoài bão, ước mơ và cả niềm tin của mẹ. Mẹ và quê hương chờ đợi em. Em phải cố gắng", Thủy trải lòng.

<>Nhờ ý thức được cuộc sống khó khăn, từ nhỏ Thủy đã ham học và giỏi đều các môn, đặc biệt là môn tiếng Anh. Từ khi bắt đầu học ngoại ngữ này, Thủy đã mê nó và luôn đạt điểm 9.0 ở môn học này, thậm chí có năm đạt điểm tuyệt đối.

"Càng học môn này em càng thấy thú vị như khám phá được một nền văn hóa mới. Em có cảm giác nó sẽ là chìa khóa cho tương lai của em. Cũng nhờ yêu thích môn tiếng Anh mà từ năm lớp 7, em đã xác định sẽ thi vào ĐH Ngoại thương", Thủy nói.

Nữ sinh chia sẻ, suốt những năm học phổ thông, em chưa bao giờ phải đi học thêm bất cứ môn nào, kể cả Anh văn. Bên cạnh việc học trên lớp, Thủy chủ yếu tự tìm hiểu và rèn luyện kỹ năng cho mình. Ngay cả sách vở, em cũng mượn bạn bè photo lại vì không có nhiều tiền để mua.

Cách mà Thủy thường áp dụng để học tốt tiếng Anh là ở trên lớp, em thường kiếm bạn nói chuyện, khi về nhà thì tự đứng trước gương để thực hành. "Khi nói xong một câu tiếng Việt em thường nghĩ trong đầu cũng là câu đó, tiếng Anh sẽ phải nói như thế nào. Rồi tìm tòi xem cách mà người bản xứ nói ra sao... Cứ thế tiếng Anh trở nên gần gũi hơn với em mỗi ngày", Thủy cho biết.

Trong kỳ thi TOEIC đầu vào do trường Ngoại thương tổ chức cho tân sinh viên, Thủy đạt số điểm khá cao 7.5. Với điểm số này em được miễn học tiếng Anh trong năm đầu và được tính điểm kết thúc môn là 10.

Bước sang năm thứ 2, dù bận rộn với việc học, làm thêm, Thủy vẫn tham gia tích cực các hoạt động xã hội với vai trò là một tình nguyện viên dạy tiếng Anh miễn phí cho trẻ em khuyết tật tại các mái ấm trong thành phố. Thủy cũng đang ấp ủ nhiều mơ ước được học lên cao hơn nữa bằng chính khả năng của mình.

Tuy thế, trò chuyện với Thủy, bên cạnh niềm say mê tiếng Anh, ước mơ trưởng thành, học lên cao hơn nữa..., trong mắt nữ sinh vẫn phảng phất nỗi buồn. "Tự thân vận động giữa chốn Sài Gòn không làm em lo bằng căn bệnh thận của mẹ ở quê ngày mỗi nặng hơn", Thủy nói.

<>Hải Duyên

Từ tiến sĩ khống đến tiến sĩ dỏm


Ảnh: minh họa


Danh sách thạc sĩ, tiến sĩ khống

Phó hiệu trưởng một trường CĐ đang có chủ trương nâng cấp lên ĐH tại TP.HCM thừa nhận: “Vì áp lực phải có đủ số lượng tiến sĩ, thạc sĩ nhất định, nên có một số trường vẫn lập danh sách khống do trong quá trình nâng cấp chưa chuẩn bị kịp. Thậm chí không hiếm trường hợp không hề có tên tiến sĩ, thạc sĩ đó trong thực tế”.

Nếu chỉ nhìn vào danh sách lực lượng GV thì rất dễ bị đánh lừa. Trên thực tế, nhiều GV có học vị tiến sĩ dạy ở trường công lập này nhưng cho trường ngoài công lập khác mượn tên.

Với phần lớn các trường ngoài công lập, lực lượng GV chủ chốt hầu hết đều thuê từ trường công. Trường CĐ Kinh tế kỹ thuật Sài Gòn chính thức công khai thừa nhận điều này khi quảng bá: “Đội ngũ GV có trình độ chuyên môn, đặc biệt có sự tham gia của các GV là giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ đã, đang giảng dạy và làm công tác quản lý ở các trường ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Bách khoa TP.HCM, ĐH Kinh tế TP.HCM...”.

Khoa kinh tế - quản trị kinh doanh của trường có khoảng 4 ngàn SV, nhưng trong danh sách công khai trên website chỉ có 10 GV cơ hữu, trong đó có người cùng một lúc biên chế ở nhiều trường khác nhau.

Đỏ mắt tìm tiến sĩ

Theo quy định mới, các trường muốn mở ngành phải có ít nhất một GV là tiến sĩ, 3 GV thạc sĩ có trình độ đúng ngành đăng ký. Thạc sĩ Trần Ái Cầm - Phó hiệu trưởng trường ĐH Nguyễn Tất Thành cho biết: “Năm ngoái, trường tuyển bình quân mỗi khoa 10 GV cơ hữu nhưng có những ngành như tài chính ngân hàng rất khó tuyển GV có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ đúng với chuyên ngành”.

Thạc sĩ Trần Mạnh Thành - Phó hiệu trưởng trường CĐ Bách Việt, chia sẻ: “Trường CĐ, ĐH nào cũng muốn thu hút những người có trình độ cao về làm việc, trong khi tiến sĩ thì có hạn”. Được biết, trường cũng đang tìm kiếm tiến sĩ có chuyên ngành về dược và điều dưỡng để xin mở ngành nhưng chưa có.

Tiến sĩ Nguyễn Đình Tuấn - Hiệu trưởng trường ĐH Tài nguyên - Môi trường TP.HCM, lo lắng: “Khí tượng là ngành tuyển GV khó nhất, gần như không có ai đạt trình độ tiến sĩ của ngành này. Kể đến là trắc địa, hiện nay trường cũng chưa có ai là tiến sĩ ngành này”.

Chưa kể những ngành không phải là thế mạnh của trường, đơn cử như ở khoa công nghệ thông tin, trên website trường đăng công khai 10 GV nhưng tất cả đều đang là nghiên cứu sinh hoặc cao học.

Bằng thật học giả

Để đáp ứng nhu cầu thực tế, nhiều GV đã phải tìm mọi cách để có được tấm bằng thạc sĩ, tiến sĩ. Nhiều bằng cấp trong số đó chỉ để hợp thức hóa chứ không có giá trị thật.

Phó hiệu trưởng một trường ĐH tại TP.HCM thông tin chương trình đào tạo tiến sĩ ở một vài cơ sở của Nga hiện nay rất đáng báo động. Nhiều GV ở VN đã theo các chương trình này để có được tấm bằng tiến sĩ.

Người tham gia chương trình này không cần biết tiếng Nga, tiếng Anh hay một ngoại ngữ nào khác. Họ chỉ sang Nga nửa tháng để nhận đề tài, toàn bộ thời gian nghiên cứu làm tại VN. Trong thời gian 3 năm đó, người hướng dẫn phía Nga sang VN mỗi năm một lần nhưng mọi giao tiếp đều thông qua phiên dịch. Cuối cùng các nghiên cứu sinh này chỉ cần sang Nga 15 ngày để bảo vệ luận văn.

Ở Nga cũng có một số website nổi tiếng mua bán bằng. Website doconline.ru rao bán đủ loại bằng cấp từ cử nhân đến tiến sĩ. Trong phần rao bán bằng tiến sĩ, website thông tin bán bằng từ bất kỳ thành phố nào của Nga với giá 33 ngàn rúp (khoảng 10 ngàn USD).

Trên dip-msk.ru, bằng tiến sĩ được rao bán 40 ngàn rúp (khoảng 12 ngàn USD) với nội dung: “Nếu bạn đã đạt được mục tiêu (chức vụ) nhưng chưa có bằng tiến sĩ, hãy đến với chúng tôi. Dựa trên kinh nghiệm cá nhân, chúng tôi cho rằng mua bằng rẻ thực tế hơn nhiều so với việc bản thân tự nỗ lực...”. (Bản dịch).

Theo PGS-TS Dương Anh Đức - Phó hiệu trưởng trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM), nhiều bằng tiến sĩ, thạc sĩ tại Mỹ cũng hết sức đáng ngại. Các trường “dỏm” tại Mỹ gửi thư mời GV VN mua bằng rất nhiều.

Ông Đức cho biết có trường, học viên qua Mỹ vài tháng, sau đó về nước chờ bằng tiến sĩ gửi qua; đa số chỉ cần đăng ký là sẽ có bằng. Trường “đàng hoàng” hơn thì chờ khoảng 4 năm mới gửi bằng qua, cho phù hợp thời hạn 3 - 5 năm nghiên cứu để hoàn tất bằng tiến sĩ như bình thường, nhưng cũng có trường chỉ vài tháng đã cấp ngay bằng tiến sĩ.

Theo <>Đăng Nguyên - Mỹ Quyên
Thanh Niên