Thứ Năm, 29 tháng 9, 2011

Gần 50 phường "trắng" trường công lập

Ngày 28.9, lần đầu tiên TP.Hà Nội tổ chức cuộc giao ban với đầy đủ lãnh đạo các quận, huyện để tìm biện pháp giải quyết tình trạng thiếu trường học.

Mặc dù không mấy dễ dàng nhưng Hà Nội đặt ra mục tiêu: đến năm 2015 khắc phục triệt để tình trạng thiếu trường, thiếu lớp. Riêng trường mầm non, chậm nhất sau 3 năm phải khắc phục xong.

Nghịch lý dân ở trong trường, lớp ở trong dân

Đề cập đến nguyên nhân thiếu trường học, hầu hết lãnh đạo các quận, huyện nhận định do thiếu đất. Đại diện quận Đống Đa cho rằng, đến năm 2000, trên địa bàn không còn quỹ đất trống nào, chỉ còn đất do cơ quan quản lý. Hiện tại, khối mầm non 4 phường chưa có trường học; 4 phường chưa có trường tiểu học và 6 phường chưa có trường THCS.

 Trường công lập thủ đô đang quá tải.     Ảnh: KỲ ANH
Trường công lập thủ đô đang quá tải. Ảnh: KỲ ANH

Đề xuất giải pháp, ông Nguyễn Đức Học - Chủ tịch UBND quận Đống Đa - cho rằng, chỉ có cách thu hồi đất của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn có dự án nhưng không triển khai hiệu quả hoặc không có dự án triển khai để xây dựng trường học. Đó là khu đất của Cty CP nhựa y tế ở Lương Định Của, khu đất của Cty CP may CN ở đường Trường Chinh, Cty CP XNK mây - tre đan ở Thái Thịnh, khu đất của Viện Kinh tế chính trị thế giới ở Phương Liệt... Tuy nhiên, thay vì trả lại đất cho chính quyền quản lý, các doanh nghiệp lại muốn xây nhà để bán.

Tương tự, quận Hoàn Kiếm hiện có 5 phường chưa có trường tiểu học và 10 phường chưa có trường THCS. Ông Vũ Văn Viện - Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm - cho rằng, hiện các trường trên địa bàn quận xảy ra tình trạng “dân ở trong trường, lớp ở trong dân”. Ông Viện kiến nghị UBND TP thu hồi những địa điểm sử dụng sai mục đích, lấy mặt bằng xây dựng trường.

Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc - Phó Chủ tịch UBND TP - cho biết, Hà Nội hiện còn 6 phường chưa có trường mầm non công lập, 12 phường chưa có trường tiểu học công lập và 28 phường chưa có trường THCS công lập. Tại nhiều quận nội thành, số học sinh trong một lớp gấp hơn 2 lần so với quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Tình trạng thiếu trường ở những khu đô thị mới cũng xảy ra tương tự.


Đến năm 2015, không còn thiếu trường học

TP.Hà Nội đã đề ra 6 giải pháp, để đến năm 2015 thực hiện được mục tiêu mỗi xã, phường, thị trấn có ít nhất một trường mầm non, tiểu học, THCS công lập và cứ 5 vạn dân có 1 trường THPT. Giải pháp ưu tiên là, thu hồi diện tích đất tại những dự án “treo” và tại các cơ sở gây ô nhiễm môi trường phải di chuyển ra ngoại thành.

Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị cho rằng, việc thiếu trường, thiếu lớp là vấn đề cấp bách, quan trọng. Nguyên nhân, do tính toán xa thực tế, việc chỉ đạo thực hiện quy hoạch mạng lưới trên địa bàn chưa hợp lý, dẫn đến tình trạng nơi thừa cứ thừa, nơi thiếu cứ thiếu. Bí thư chỉ đạo, sau hội nghị này các sở, ban ngành, quận, huyện cần rà soát, xác định, tính toán cụ thể... Bí thư Thành uỷ nói: “Rõ ràng thiếu đất là do khách quan, nhưng tồn tại trên chủ yếu là do chủ quan. Chúng ta lơ là bỏ quên, hoặc quan tâm chưa đầy đủ cho quỹ đất xây dựng trường học”.

“Phải đặt ra mục tiêu kiên quyết, cái gì thiếu thì phải làm bổ sung ngay, biện pháp như thế nào các sở, ngành, quận, huyện phải đề xuất. Mục tiêu của chúng ta là đến năm 2015 phải khắc phục triệt để tình trạng thiếu trường, thiếu lớp cho học sinh. Phấn đấu chậm nhất sau 3 năm khắc phục triệt để việc thiếu trường mầm non, mẫu giáo chứ không phải đến tận năm 2015” - Bí thư Phạm Quang Nghị chỉ đạo.

<>Thu Huyền

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét